Danh nhân lịch sử Ngô Gia Tự - văn hóa tiêu biểu người Bắc Ninh thời hiện đại

Bắc Ninh - vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi giang sơn tụ khí, nơi sản sinh ra nhiều nhân tài của nước Việt, quê hương của những danh nhân lịch sử - nhà văn hóa lớn đã có nhiều đóng góp quan trọng vào lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, xây dựng nền văn minh Đại Việt - Việt Nam.

Kế thừa, phát huy và phát triển truyền thống bản sắc hóa con người Bắc Ninh - Kinh Bắc, trong thời đại Hồ Chí Minh quang vinh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, vùng đất Bắc Ninh tự hào có những người con là những chiến sỹ cộng sản tiền bối, những nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng như Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, các đồng chí: Ngô Gia Tự, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo,… Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh trân trọng giới thiệu đến quý độc giả những người con ưu tú thời hiện đại của quê hương.

Ngô Gia Tự (1908 - 1934)

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống yêu nước tại xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh - vùng đất khoa bảng, giàu truyền thống văn hiến và cách mạng, Ngô Gia Tự vốn thông minh, hiếu học, sớm giác ngộ cách mạng từ thời thiếu niên và trở thành người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Đồng chí Ngô Gia Tự - Người chiến sỹ cộng sản lỗi lạc (Ảnh: Internet)

Năm 1926, theo học tại trường Bưởi (nay là trường Chu Văn An, Hà Nội), Ngô Gia Tự đã tham gia phong trào đấu tranh đòi thả cụ Phan Bội Châu và để tang cụ Phan Chu Trinh nên đã bị buổi học. Cuối năm 1926, đồng chí Ngô Gia Tự được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Năm 1927, sau khi hoàn thành lớp huấn huyện ở Quảng Châu (Trung Quốc) do đồng chí Nguyễn Ái Quốc tổ chức, đồng chí Ngô Gia Tự về Bắc Ninh tuyên truyền, gây dựng cơ sở cách mạng. Năm 1928, trên cương vị Bí thư tỉnh Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Ninh - Bắc Giang, đồng chí Ngô Gia Tự đã đề xuất chủ trương “vô sản hóa”, đưa cán bộ của Hội vào các nhà máy, hầm mỏ, đồn điền để cùng ăn, cùng ở, cùng làm, để tuyên truyền giác ngộ cách mạng trong giai cấp công nhân.

Tháng 3/1929, tại số nhà 5D, phố Hàm Long, Hà Nội, đồng chí Ngô Gia Tự cùng những thanh niên tiên tiến trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ đã thành lập ra Chi bộ cộng sản đầu tiên ở trong nước.

Từ thực tế của phong trào cách mạng cho thấy Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, nên ngày 17/6/1929, tại số nhà 312 phố Khâm Thiên (Hà Nội), đồng chí Ngô Gia Tự cùng các đại biểu Kỳ bộ Bắc Kỳ và các đồng chí trong chi bộ Cộng sản đầu tiên đã họp và quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng; Ban Chấp hành Trung ương lâm thời gồm 7 đồng chí.

Cuối tháng 7/1929, đồng chí Ngô Gia Tự về Bắc Ninh thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên ở hai tỉnh Bắc Ninh - Bắc Giang. Theo sự chỉ đạo của đồng chí Ngô Gia Tự, ngày 4/8/1929 tại núi Hồng Vân (núi Lim, huyện Tiên Du), các hội viên tiên tiến của Việt Nam Cách mạng Thanh niên hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang đã họp và thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng Bắc Ninh - Bắc Giang.

Thực hiện sự phân công của Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng, cuối tháng 8/1929 đồng chí Ngô Gia Tự đã vào Nam Kỳ để tuyên truyền, gây dựng cơ sở cách mạng. Bằng những  hoạt động tích cực của đồng chí Ngô Gia Tự  cùng các đồng chí trong Đông Dương Cộng sản Đảng, phong trào cách mạng ở Nam Kỳ ngày càng phát triển mạnh mẽ, nhiều cơ sở cách mạng đã được xây dựng trong các nhà máy, đồn điền, bến tàu... Trong lúc phong trào cách mạng ở Nam Kỳ đang phát triển rầm rộ, đêm 31/5/1930, tại một cơ sở cách mạng ở Phú An bên sông Thị Nghè, Sài Gòn, đồng chí Ngô Gia Tự bị mật thám bắt.

Vượt qua sự tra tấn tàn khốc tại khám lớn Sài Gòn, nhà tù Hỏa Lò cũng như dụ dỗ trắng trợn của kẻ thù, đối diện với án tử hình, Ngô Gia Tự khẳng khái, kiên cường, buộc chính quyền thực dân phải hạ mức án xuống tù khổ sai chung thân Ngày 13/5/1933, thực dân Pháp đã đày đồng chí ra Côn Ðảo.

Trong nhà tù đế quốc tại Côn Đảo, đồng chí Ngô Gia Tự đặc biệt coi trọng việc giáo dục lý luận chính trị cho đảng viên, như: biên tập chương trình giáo dục lý luận chính trị, quán triệt những quan điểm cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin. Để có tài liệu học tập lý luận, đồng chí Ngô Gia Tự cùng một số đồng chí khác đã nghiên cứu, dịch các tác phẩm kinh điển chủ nghĩa Mác - Lênin từ tiếng Pháp sang tiếng Việt; đồng chí Ngô Gia Tự thường xuyên động viên anh em: “Phải biến nhà tù đế quốc thành trường học, không nên bỏ phí thời giờ. Bất kỳ ở đâu chúng ta cũng có thể hoạt động cho chủ nghĩa cộng sản được. Người cộng sản phải bảo vệ Đảng, ta vì Đảng, vì cách mạng mà hy sinh, đừng vì ta mà cách mạng bị hy sinh”. 

Cuối năm 1934, Đảng bộ nhà tù Côn Đảo quyết định tổ chức cho đồng chí Ngô Gia Tự và một số đồng chí khác vượt ngục trở về đất liền để chỉ đạo khôi phục phong trào cách mạng. Sau một thời gian chuẩn bị, tháng 12/1933, cuộc vượt ngục được thực hiện. Trên đường vượt biển trở về đất liền để tiếp tục hoạt động cách mạng, đồng chí Ngô Gia Tự đã hy sinh.

Khu di tích lưu niệm đồng chí Ngô Gia Tự (Ảnh: Internet)

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Ngô Gia Tự, người chiến sĩ cộng sản lỗi lạc của Đảng ta, người con yêu quý của quê hương Bắc Ninh tuy ngắn ngủi nhưng tấm gương quyết tâm suốt đời đấu tranh cho lý tưởng của Ðảng và cách mạng Việt Nam, mãi tỏa sáng cho các thế hệ học tập và noi theo. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần đánh giá đồng chí Ngô Gia Tự là một trong những chiến sĩ cộng sản tiên phong, nhà lãnh đạo hàng đầu của Ðảng “đã đặt lợi ích của Ðảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc lên trên hết, lên trước hết”; “đã hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh mình cho Ðảng, cho giai cấp, cho dân tộc”; “gương mẫu, trung với nước, hiếu với dân, khí phách hiên ngang cho đến hơi thở cuối cùng”; “đã nêu gương chói lọi của đạo đức cách mạng chí công vô tư cho tất cả chúng ta học tập”.

Để nhớ ơn công lao to lớn của đồng chí Ngô Gia Tự, Nhà nước đã xếp hạng bảo vệ và cấp bằng Di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia ngôi nhà của gia đình đồng chí Ngô Gia Tự ở làng Tam Sơn. Đồng thời, Đảng bộ và nhân dân Bắc Ninh đã xây dựng tại quê hương Tam Sơn nhà trưng bày thân thế và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Ngô Gia Tự; khu quảng trường và tượng đài đồng chí Ngô Gia Tự. Các công trình văn hóa trên đã là địa chỉ đỏ trong việc giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng cho đông đảo quần chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ Bắc Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung.

 Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh

XEM THÊM SẢN PHẨM BÁN

NỀN TẢNG ĐĂNG TIN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ CHỢ BẮC NINH

Untitled

NHÓM ĐỘC GIẢ ĐỌC BÁO BẮC NINH

20211201_083027


Bài viết liên quan

Bắc Ninh: Đình Tam Tảo- Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia
Bắc Ninh: Đình Tam Tảo- Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia
Văn nghệ dân gian - sự kết tinh giá trị con người Kinh Bắc - Bắc Ninh
Văn nghệ dân gian - sự kết tinh giá trị con người Kinh Bắc - Bắc Ninh
Bắc Ninh: Nét văn hóa đặc sắc của tranh dân gian Đông Hồ
Bắc Ninh: Nét văn hóa đặc sắc của tranh dân gian Đông Hồ
Bắc Ninh: Quê hương chùa tháp, lễ hội và sinh hoạt văn hóa dân gian
Bắc Ninh: Quê hương chùa tháp, lễ hội và sinh hoạt văn hóa dân gian
Bắc Ninh: Đặc sắc nghệ thuật múa rối nước Đồng Ngư
Danh nhân lịch sử tiêu biểu người Bắc Ninh thời kỳ chống Bắc thuộc