Danh nhân lịch sử - văn hóa tiêu biểu người Bắc Ninh thời Lê - Mạc

Thời Lê - Mạc là thời kỳ dài phát triển, trải qua các triều đại: Lê Sơ (1428 - 1527), Mạc (1527 - 1592). Trong giai đoạn đầu triều Lê Sơ, những chủ trương, chính sách được ban hành kịp thời, hợp lòng dân đã đưa đất nước phát triển lên một tầm cao mới.

Vinh quy bái tổ. (Nguồn: Internet)

Ở thời Lê - Mạc, quê hương Bắc Ninh - Kinh Bắc tự hào vì có những người con như: Ngô Miễn Thiệu, Nguyễn Giản Thanh, Nguyễn Đăng, Vũ Giới, Nguyễn Quang Bật, Nguyễn Tự Cường, Nguyễn Hữu Nghiêm là những danh nhân lịch sử - văn hóa tiêu biểu làm rạng danh đất Việt.

1. Ngô Miễn Thiệu (1499 - 1556)                                                                           

Ngô Miễn Thiệu người làng Tam Sơn, xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, sinh năm Kỷ Mùi (1499). Ông đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ nhất danh (Trạng nguyên) năm 20 tuổi khoa thi Mậu Dần niên hiệu Quang Thiệu thứ ba (1518) đời Lê Chiêu Tông. Ông là vị Trạng nguyên thứ hai của làng Tam Sơn sau Trạng nguyên Nguyễn Quan Quang.

Ngô Miễn Thiệu làm quan cho nhà Mạc, thăng đến chức Lại bộ thượng thư kiêm Đô ngự sử, chưởng Hàn lâm viện sự nhập thị kinh diên, tước Lý Khê Bá.

Ngô Miễn Thiệu là vị quan thông minh, mẫn cán và đức độ được vua Mạc Đăng Dung tin dùng và yêu quý, thường triệu vời để họa thơ. Khi mất ông được truy tặng Quận công.

Gia đình Ngô Miễn Thiệu có truyền thống khoa bảng tiêu biểu. Ông là con trưởng của Bảng nhỡn Ngô Thấm, cháu họ Tiến sĩ Ngô Luân, là cha của Tiến sĩ Ngô Diễn và Tiến sĩ Ngô Dịch đều làm quan cho nhà Mạc đến chức Thượng thư tham chính.

2. Nguyễn Giản Thanh (1483 - 1552)

Nguyễn Giản Thanh húy là Thanh, thụy Hiệu An tiên sinh, người làng Hương Mạc, nay thuộc xã Hương Mạc, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Nguyễn Giản Thanh là con Tiến sĩ Nguyễn Giản Liên, sinh năm Quý Mão (1483). Năm 26 tuổi, Nguyễn Giản Thanh đỗ Đệ Nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh (Trạng nguyên) khoa thi Mậu Thìn niên hiệu Đoan Khánh (1508), thường được gọi là Trạng Me. Ông làm quan cho triều Lê Uy Mục đến chức Hàn lâm viện thi thư kiêm Đông các đại học sĩ. Sau đó, ông tiếp tục làm quan cho nhà Mạc được thăng Lễ Bộ Thượng thư kiêm Hàn lâm viện thị độc; chưởng viện sự tước Trung phụ bạ, khi mất được tăng tước Hầu.

Đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Giản Thanh và các vị đại khoa họ Nguyễn Giản ở Hương Mạc đã được nhà nước xếp hạng và cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia từ năm 1989.

3. Nguyễn Đăng (1576 - ?)                                 

Nguyễn Đăng người làng Mai Ổ (tục gọi Tỏi Mai), nay thuộc xã Chi Lăng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Xuất thân Giám sinh, năm Nhâm Dần (1602) Nguyễn Đăng đỗ Hoàng giáp khi 25 tuổi. Các kỳ thi Hương, Hội, Đình, Ứng chế Nguyễn Đăng đều đỗ đầu và được triều đình phong danh hiệu “Tứ nguyên”. Đây là trường hợp duy nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Nguyễn Đăng làm quan tới chức Tả thị lang Bộ Hộ, tước Phú Nhan hầu. Năm 1613, Nguyễn Đăng được cử đi sứ nhà Minh. Với tài ngoại giao xuất chúng, ông được vua nhà Minh khâm phục phong là Trạng nguyên và sau dân gian gọi ông là Trạng Tỏi.

Khi trí sĩ, Nguyễn Đăng về quê mở trường dạy học ở Hán Đà, một làng ngay cạnh quê ông. Khi mất, nhân dân nhớ ơn ông, lập đền thờ ông gọi là “Đền thánh Trạng” và được triều đình ban sắc thờ là bậc Đại vương.

Nguyễn Đăng có sở trưởng về văn thơ, nhất là thể phú. Ông có nhiều bài thơ xướng họa, ngâm vịnh với sứ thần Trung Quốc và Triều Tiên. Hiện còn 18 bài chép trong Toàn Việt thi lục và bài phú vịnh chùa Phi Lai (Trung Quốc).

Đền thờ Nguyễn Đăng hiện còn lưu giữ tượng đá, khắc ghi về cuộc đời hành trạng của ông cùng nhiều tài liệu hiện vật có giá trị. Năm 1991, Đền thờ Nguyễn Đăng đã được Nhà nước xếp hạng và cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

4. Vũ Giới (1541 - 1593)

Vũ Giới hiệu là Hòa An tiên sinh, người làng Lương Xá (tục gọi là Lường) nay thuộc xã Phú Lương, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. Năm 37 tuổi, Vũ Giới đỗ đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, đệ nhất danh (tức Trạng nguyên) khoa thi Đinh Sửu, niên hiệu Sùng Khang thứ 12 (1577) đời Mạc Mậu Hợp.

Vũ Giới làm quan cho nhà Mạc thăng tới chức Hữu nghị lang Bộ Hộ kiêm chưởng Hàn lâm, sau được thăng Lại Bộ thượng thư.

Gia đình Vũ Giới có truyền thống khoa bảng vẻ vang. Ông là con của Hoàng giáp Vũ Kính, làm quan đến chức Tả thị lang Bộ Lễ chưởng Hàn lâm viện tước Hầu, là cháu của Tiến sĩ Vũ Cận làm quan đến chức Thượng thư, tước Hầu; là con rể Tiến sĩ Hoàng Sĩ Khải làm quan đến chức Thượng Thư Bộ Lễ.

5. Nguyễn Quang Bật (1464 - 1505)

Nguyễn Quang Bật người làng Bình Ngô, nay thuộc xã An Bình, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ông thuộc dòng dõi nhà Nho, thuở nhỏ nổi tiếng thông minh, chăm học và hiếu thảo. Năm 21 tuổi, Nguyễn Quang Bật đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh (Trạng nguyên) khoa Giáp Thìn niêu hiệu Hồng Đức thứ 15 (1484) đời Lê Thánh Tông. Ông được tuyển vào Đông các làm Hàn Lâm viện thi thư, Đô ngự sử và là thành viên của Hội Tao đàn nhị thập bát tú.

Nguyễn Quang Bật cùng với Đàm Văn Lễ nhận di chiếu của vua Lê Hiến Tông lập Túc Tông lên ngôi. Sau Lê Uy Mục lên ngôi (1505) đem lòng oán hận, tìm cách trả thù, đày hai ông đi Quảng Nam rồi bức tử hai ông. Khi Lê Tương Dực lên ngôi (1509), hiểu rõ nỗi oan của Nguyễn Quang Bật mới truy phong chức, tước, làm văn tế, tặng cờ thêu ba chữ “Trung Trạng nguyên” và sắc cho dân làm miếu thờ làm thành hoàng tại quê hương Bình Ngô.

Để tránh di họa, con cháu Nguyễn Quang Bật ở Bình Ngô đã đổi sang họ Đỗ và di sang cư trú ở làng Đại Mão, nay thuộc xã Hoài Thượng, huyện Thuận Thành. Dòng họ này là một dòng họ lớn, có truyền thống hiếu học và khoa bảng vẻ vang.

6. Nguyễn Tự Cường (1488 - 1525)

Nguyễn Tự Cường húy là Cương, sau đổi là Cường, người làng Tam Sơn, nay thuộc xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Nguyễn Tự Cường là con Tiến sĩ Nguyễn Úc, em Tiến sĩ Nguyễn Huy Tái, đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (tức Hoàng giáp) khoa thi Giáp Tuất, niên hiệu Hồng Thuận thứ 6 (1514) đời vua Lê Tương Dực. Ông làm quan đến chức Hiên sát sứ. Khi Mạc Đăng Dung chiếm ngôi nhà Lê, Nguyễn Tự Cường theo thầy học là Tiến sĩ Đàm Thận Huy dấy binh chống lại nhà Mạc. Vì thế lực yếu, ông và thầy bị bắt, sau liền uống thuộc độc tự tử.

Đời Lê Trung Hưng, Nguyễn Tự Cường được triều đình biểu dương lòng trung nghĩa, phong làm phúc thần và sắc cho nhân dân Tam Sơn thờ làm thành hoàng tại đền thờ riêng trên núi Chùa. Tại đền thờ có tấm bia đá khắc bản sắc phong, ca ngợi công đức của Nguyễn Tự Cường. Hằng năm, nhân dân Tam Sơn tổ chức tế lễ để bày tỏ sự nhớ ơn vào ngày mất của Nguyễn Tự Cường (16/8 âm lịch).

7. Nguyễn Hữu Nghiêm (1491 - 1525)      

Nguyễn Hữu Nghiêm người làng Thọ Khê (còn gọi là Phúc Khê) nay thuộc xã Đông Thọ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, sinh năm Tân Hợi (1491). Năm 18 tuổi, Nguyễn Hữu Nghiêm ứng thí đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ Tam danh (tức Thám hoa) khoa Mậu Thìn niên hiệu Đoan Khánh thứ 4 (1508) đời vua Lê Uy Mục. Ông làm quan đến chức Thượng thư Bộ Lễ, chưởng Hàn lâm viện sự.

Khi nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, vua Lê Chiêu Tông giao cho Nguyễn Hữu Nghiêm khởi binh ở vùng Bắc Giang chống lại nhà Mạc. Sau do thế không địch nổi, Nguyễn Hữu Nghiêm bị thua trận, ông và con trai bị quân Mạc bắt đưa về Thăng Long xử chém. Đời Lê Trung Hưng biểu dương, truy phong là Tiết nghĩa đại vương, sắc cho dân làng Thọ Khê lập đền thờ “Tiết nghĩa từ”. Các triều vua Lê và Nguyễn đều ban sắc phong ca ngợi, truy phong là “Trung đẳng thần”.

Đền thờ quan Tiết nghĩa Nguyễn Hữu Nghiêm ở quê hương Thọ Khê đã được Nhà nước xếp hạng và cấp bằng di tích lịch sử văn hóa từ năm 2003.

 Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh

XEM THÊM SẢN PHẨM BÁN

NỀN TẢNG ĐĂNG TIN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ CHỢ BẮC NINH

Untitled

NHÓM ĐỘC GIẢ ĐỌC BÁO BẮC NINH

20211201_083027


Bài viết liên quan

Bắc Ninh: Đình Tam Tảo- Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia
Bắc Ninh: Đình Tam Tảo- Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia
Văn nghệ dân gian - sự kết tinh giá trị con người Kinh Bắc - Bắc Ninh
Văn nghệ dân gian - sự kết tinh giá trị con người Kinh Bắc - Bắc Ninh
Bắc Ninh: Nét văn hóa đặc sắc của tranh dân gian Đông Hồ
Bắc Ninh: Nét văn hóa đặc sắc của tranh dân gian Đông Hồ
Bắc Ninh: Quê hương chùa tháp, lễ hội và sinh hoạt văn hóa dân gian
Bắc Ninh: Quê hương chùa tháp, lễ hội và sinh hoạt văn hóa dân gian
Bắc Ninh: Đặc sắc nghệ thuật múa rối nước Đồng Ngư
Danh nhân lịch sử tiêu biểu người Bắc Ninh thời kỳ chống Bắc thuộc