Danh nhân lịch sử - văn hóa tiêu biểu người Bắc Ninh thời Lê Trung Hưng
Thời Mạc và Lê Trịnh - gọi chung là thời Lê Trung Hưng (1527-1788). Đây là thời kỳ đặc biệt, có lúc có 2 triều đại song song đan xen nhau, cũng là thời kỳ đất nước có nhiều biến động lớn lao, sôi động nhất trong lịch sử nước Đại Việt.
Những thư tịch, bút nghiên giúp người xem hình dung thân thế, sự nghiệp Trạng Nguyên Nguyễn Đăng Đạo (Nguồn: Internet)
Song về thực chất, triều Mạc chỉ là phụ triều, không phải là triều đại chính thống mà đây là thời kỳ phát triển đỉnh cao của dòng họ Trịnh. Ở thời kỳ này, Bắc Ninh tự hào vì có những người con là những danh nhân lịch sử - văn hóa tiêu biểu của nước Việt như: Đặng Công Chất, Nguyễn Đăng Cảo, Nguyễn Đăng Đạo, Nguyễn Công Hãng, Nguyễn Xuân Chính, Nguyễn Gia Thiều…
1. Đặng Công Chất (1616 - ?)
Đặng Công Chất người làng Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc Gia Lâm, thành phố Hà Nội).
Theo các nguồn sử liệu, Đặng Công Chất vốn là người họ Trần nhưng do có Trần Tuấn khởi binh chống triều đình bị thất bại nên con cháu phải đổi sang họ Đặng để tránh di họa và thất tán, sinh sống ở nhiều nơi nhưng họ vẫn giữ được truyền thống hiếu học và khoa bảng vẻ vang.
Năm 40 tuổi, Đặng Công Chất ứng thí đỗ Trạng Nguyên khoa thi Tân Sửu, niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 4 (1661) đời Lê Trung Tông, lại đỗ đầu khoa ứng Chế, làm quan đốc trấn tỉnh Cao Bằng, từng đi sứ nhà Thanh (Trung Quốc) khi về được thăng chức Tham tụng và Thượng thư Bộ Binh, Hình sự. Khi mất, ông được tặng Thiếu bảo, tước Bá.
Khi cư quan, Đặng Công Chất được giao cùng với Hồ Sĩ Dương trùng san lại bộ “Lam Sơn thực lực”. Đặng Công Chất còn là người thầy tài năng và tâm đức, đào tạo nhiều nhân tài cho quê hương đất nước, tiêu biểu là Tiến sĩ Nguyễn Đương Hồ, quê làng Dương Húc, xã Đại Đồng, huyện Tiên Du - một danh sĩ nổi tiếng thời Lê Trung Hưng.
2. Nguyễn Đăng Cảo (1619 - ?)
Nguyễn Đăng Cảo người làng Hoài Thượng, xã Liên Bão, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Nguyễn Đăng Cảo xuất thân trong một gia đình giàu truyền thống hiếu học và khoa bảng. Ông là anh của Tiến sĩ Nguyễn Đăng Minh, là bác ruột của Tiến sĩ Nguyễn Đăng Tuân và Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo.
Nguyễn Đăng Cảo sinh năm Kỷ Mùi (1619), từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh, các sách kinh truyện chỉ liếc qua một lần là nhớ, người đời khen là bậc thần đồng.
Năm 28 tuổi, Nguyễn Đăng Cảo ứng thí đỗ Hội nguyên, Bình nguyên. Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, đệ Tam danh (tức Thám hoa), khoa thi Bính Tuất, niên hiệu Phú Thái thứ tư (1646) đời vua Lê Chân Tông. Sau ông lại đỗ đầu khoa thi Đông Các được bổ chức Đông các đại học sĩ. Sau được 3 năm thì bị bãi chức vì tính tình ngay thẳng, không chịu luồn cúi. Mặc dù vậy, mỗi khi có sứ nhà Thanh (Trung Quốc) vua Lê đều triệu Nguyễn Đăng Cảo vào cung để đối đáp, thù tiếp. Truyền rằng, do thông minh và tài đối đáp ngoại giao, Nguyễn Đăng Cảo đã được nhà Thanh khen ngợi và phê tặng danh hiệu “khôi nguyên”. Với công lao lớn với triều đình, Nguyễn Đăng Cảo được vua Lê phong tặng “Quang tiến thân lộc đại phu Đông các đại học sĩ”.
Ngôi nhà xưa của Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo ở làng Hoài Thượng đã trở thành nhà thờ quan Đông các Đại học sĩ và được Nhà nước xếp hạng, cấp bằng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia từ năm 1994.
3. Nguyễn Đăng Đạo (1651 - 1719)
Nguyễn Đăng Đạo người làng Hoài Thượng, xã Liên Bão, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Nguyễn Đăng Đạo xuất thân trong một gia đình nổi tiếng hiếu học và khoa bảng. Ông là con Tiến sĩ Nguyễn Đăng Minh, cháu Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo, em Tiến sĩ Nguyễn Đăng Tuân…
Nguyễn Đăng Đạo tự là Chắt, thụy Đôn Nhã, tước húy là Đăng Liễn, sau đổi là Đăng Đạo, sinh năm Tân Mão (1651), xuất thân sĩ vọng, bổ tri huyện Lương Tài. Năm 33 tuổi, ứng thí thi Đình đỗ Đệ nhất giáp Tiễn sĩ cập đệ Đệ nhất danh (Trạng nguyên) khoa thi Quý Hợi niên hiệu Chính Hòa thứ tư (1683) đời Lê Huy Tông.
Năm Đinh Sửu (1697),Nguyễn Đăng Đạo được cử đi sứ nhà Thanh (Trung Quốc) để thương lượng, đòi lại 3 động ở huyện Vị Xuyên, Tứ Xuyên. Với tài trí thông minh và ứng đối sắc sảo, ông được triều đình nhà Thanh nể phục, suy tôn là “Đệ nhất khôi nguyên của Bắc triều” (tức Trạng nguyên của Bắc quốc). Về nước, ông được vua Lê ban tặng “Lưỡng quốc Trạng nguyên”. Ông là một trong hai người được phong tặng danh vị cao quý này trong lịch sử khoa cử phong kiến Việt Nam (người đầu tiên là Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi).
Nguyễn Đăng Đạo làm quan trải qua các chức Đô ngự sử, Nhập thị kinh diên, tước thọ lâm tử, thăng binh Bộ thượng thư, Tham tụng kiêm Đông các đại học sĩ, tước Bá, khi mất được tặng Lại Bộ thượng thư, tước Thọ quận công.
Nguyễn Đăng Đạo là viên quan đại thần tài năng, cần kiệm, liên chính, tận tụy với công việc nhằm mưu phúc lợi cho dân cho nước. Ông còn đóng góp cho quê hương nhiều việc giàu tâm đức như bỏ tiền sửa sang đường xá, xây cầu cống, tu bổ đền miếu, khuyến khích con em học hành, mở mang tập tục. Vì vậy, Nguyễn Đăng Đạo đã được nhà vua ban sắc phối thờ cùng với thần hoàng làng ở quê hương Hoài Thượng.
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh
Nhà ở của Nguyễn Đăng Đạo ở quê hương Hoài Thượng đã trở thành nhà thờ “Lưỡng quốc Trạng nguyên” và đã được nhà nước xếp hạng, cấp bằng di tích lịch sử văn hóa Quốc gia từ năm 1994.
4. Nguyễn Công Hãng (1679 - 1732)
Nguyễn Công Hãng tự là Đại Thanh, hiệu Tĩnh Trai, người làng Phù Chẩn (tục gọi là làng Cháy) nay thuộc xã Phù Chẩn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Nguyễn Công Hãng đỗ Tiến sĩ năm 21 tuổi (1700) là người trẻ tuổi nhất trong số những người đỗ khoa thi Canh Thìn niên hiệu Chính Hòa thứ 21.
Nguyễn Công Hãng làm quan triều Lê - Trịnh từ đốc trấn An Bang, Cao Bằng lên đến Thượng thư hàng thứ nhất trong trăm quan. Được mở dinh Trung nhuệ tới chức Thái Bảo, Tả lý công thần, tước Sóc quận công. Ông được chúa Trịnh Giang rất trọng dụng, từng được đi sứ Trung Quốc.
Nguyễn Công Hãng là bậc đại thần văn võ song toàn, vị quan liêm chính và cần mẫn. Ông cùng với Lê Anh Tuấn ra sức cải cách chế độ tài chính, thuế khóa để nắm giữ mọi nguồn lợi quốc gia về triều đình. Ông chỉ đạo việc học tập, chỉnh đốn văn phong, đào tạo nhân tài, ổn định thể chế phẩm phục trong triều, xứng đáng là nhà cải cách dưới triều Lê Trung Hưng.
Trong đợt đi sứ nhà Thanh, ông đã ứng đối khôn khéo để yêu cầu xóa bỏ lệ cống người vàng và nước giếng Loa Thành của nhà Thanh đối với nước ta. Nguyễn Công Hãng rất khuyến khích giới trẻ học tập. Ông thường trực tiếp ngồi nói chuyện với học sinh trường Quốc tử giám, không phân biệt quan cách.
Nguyễn Công Hãng đã trực tiếp khuyên chúa Trịnh Cương phải chọn người nối ngôi cho xứng đáng. Nhưng Trịnh Cương không nghe, ngược lại còn thù ông sau giáng chức ông xuống Thừa Cánh xứ Tuyên Quang và sai người đầu độc chết. Đến đầu đời Cảnh Hưng, Nguyễn Công Hãng được triều đình minh oan, truy phục chức tước. Nguyễn Công Hãng còn để lại tác phẩm “Tinh sà thi tập” là những bài thơ ông viết khi đi sứ.
5. Nguyễn Xuân Chính (1588 - 1676)
Nguyễn Xuân Chính sinh năm Mậu Tý (1588), người làng Phù Chẩn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Nguyễn Xuân Chính nổi tiếng thông minh và chăm học, liên tục đỗ đầu 3 kỳ thi nhưng đến năm 50 tuổi mới đỗ Hội nguyên, Đình nguyên Đệ nhất giáp sĩ Tiến sĩ cập đệ Đệ nhất danh (Trạng nguyên) khoa thi Đinh Sửu, niên hiệu Dương Hòa thứ ba (1637) đời Lê Thần Tông trở thành vị Trạng nguyên cao tuổi nhất trong lịch sử khoa cử phong kiến Việt Nam.
Nguyễn Xuân Chính làm quan đến Lại Bộ tả thị lang, Nhập thị kinh diên, tước Đạo ngạn bá. Sau khi mất, ông được phong tặng Thượng thư Bộ lại, tước Đạo ngạn hầu. Nguyễn Xuân Chính còn để lại nhiều tác phẩm văn bia và bài “Văn tế tổng Phù Chẩn” khá nổi tiếng, văn bia chùa Trấn Quốc (Hà Nội).
Nhà thờ Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính đã được nhà nước xếp hạng và cấp bằng di tích lịch sử văn hóa từ năm 1998.
XEM THÊM SẢN PHẨM BÁN
NỀN TẢNG ĐĂNG TIN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ CHỢ BẮC NINH
NHÓM ĐỘC GIẢ ĐỌC BÁO BẮC NINH