Danh nhân lịch sử - văn hóa tiêu biểu người Bắc Ninh thời Trần

Vương triều Trần - một triều đại rực rỡ, có vị trí đặc biệt quan trọng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Trải qua 175 năm phát triển và hưng thịnh, nhà Trần đã tạo lập những kỳ tích huy hoàng như: chấm dứt tình trạng hỗn loạn của xã hội Đại Việt những năm cuối của vương triều Lý; xây dựng nhà nước tập quyền vững mạnh từ Trung ương đến địa phương; lập lại trật tự chính trị - xã hội, củng cố sự thống nhất của quốc gia, chăm lo phát triển kinh tế, khoan thư sức dân; xây dựng đời sống văn hóa trên nền tảng tinh thần dân tộc sâu sắc và ý thức tự lực, tự cường mạnh mẽ, thúc đẩy văn minh Đại Việt phát triển lên tầm cao mới. Góp phần không nhỏ vào những kỳ tích này của nhà Trần phải kể đến công lao của những người con của quê hương Bắc Ninh - Kinh Bắc, đồng thời cũng là những danh nhân lịch sử - văn hóa tiêu biểu của Việt Nam là Huyền Quang, Nguyễn Quan Quang, Hàn Thuyên.

1. Huyền Quang (1254 - 1334)

Tổ Huyền Quang - Tam Tổ Thiền Phái Trúc Lâm (Việt Nam).

Huyền Quang tên là Lý Đạo Tái, trong một gia đình quan lại thời Lý, quê thuộc xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh (thời Trần thuộc hương Vạn Tải, đến thời Lê thuộc xã Vạn Tư). Đến thời Trần, gia đình Huyền Quang bị sa sút.

Lý Đạo Tái sinh năm Giáp Dần (1254), thuở nhỏ nổi tiếng thông minh hiếu học. Năm 20 tuổi đỗ Hương cử; năm 21 tuổi đỗ đầu khoa Đại tỷ thủ sỹ, niên hiệu Bảo Phù thứ hai (1274), tức Trạng nguyên. Ông được cử vào làm việc ở Viện Hàn lâm. Vua Trần thấy ông là người tài năng đức độ, đỗ đạt cao, muốn gả công chúa Liễu cho nhưng ông không nhận.

Khi còn làm quan, trong một lần Lý Đạo Tái theo vua Anh Tông đến chùa Vĩnh Nghiêm nghe Pháp Loa giảng kinh, ông thấy có nhiều điểm tâm đắc, liền xin triều đình cho xuất gia tu hành. Ông xuất gia, kiên trì học đạo ở chùa Vĩnh Nghiêm từ năm Hưng Long thứ 13 (1305), dưới sự chỉ dẫn của Bão Phác, một đệ tử xuất sắc của Điều Ngự đầu đà Trần Nhân Tông, khi đó ông đã 52 tuổi. Năm Hưng Long thứ 14 (1306), Nhân Tông lập đạo tràng ở chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang), cho Pháp Loa làm giảng chủ, Lý Đạo Tái theo Bão Phác đến thụ giáo, được Nhân Tông cho làm thị giả. Sau khi Trần Nhân Tông qua đời, ông theo Pháp Loa học đạo không rời, được Pháp Loa đặt pháp hiệu là Huyền Quang. Tuy là học trò nhưng ông hơn Pháp Loa đến 30 tuổi. Huyền Quang có biệt tài biên soạn kinh sách, sau 8 năm xuất gia, Huyền Quang được chủ trì chùa Hoa Yên, một trong những trung tâm tôn giáo lớn nhất đất nước đương thời, trên núi Yên Tử. Sau khi Huyền Quang viên tịch (1334), vua Trần Anh Tông ban hiệu là “Trúc Lâm đệ tam cổ”.

Huyền Quang không chỉ là “Trúc Lâm đệ tam cổ”, ông còn là một nhà thơ lớn thời Trần. Theo “Việt Âm thi tập” và “Toàn Việt thi lục”, Huyền Quang có tập thơ “Ngọc Tiên”, bài phú “Vinh chùa Hoa Yên” cùng 24 bài thơ chữ Hán đã phản ánh những xúc cảm sâu sắc, lòng yêu thiên nhiên, đất nước tha thiết cùng những triết lý nhân sinh giàu chất nhân văn của nhà thơ Huyền Quang.

Hiện nay, tại quê hương Huyền Quang còn di tích chùa Đại Bi do chính ông xây dựng và Tòa điện tổ thờ “Tam tổ Trúc Lâm” cùng cây tháp đá mang tên “Đệ tam tổ Bảo Tháp” cho biết lý lịch hành trạng của Huyền Quang - vị Trạng nguyên họ Lý và Bảo Tháp có chứa xá lỵ của Đức tổ Huyền Quang đem về từ Côn Sơn.

Khu di tích chùa Đại Bi và nhà Điện tổ thờ “Tam Tổ Trúc Lâm” đã được nhà nước công nhận và cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia từ năm 1990.

2. Nguyễn Quan Quang (1222 - ?)

Nguyễn Quan Quang sinh năm Giáp Ngọ (1222), không rõ năm mất. Ông sinh ra trong một gia đình nghèo ở làng Tam Sơn, xã Tam Sơn, huyện Đông Ngàn, trấn Kinh Bắc, nay là thôn Tam Sơn, xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh - một ngôi làng nổi tiếng đất Kinh Bắc về truyền thống hiếu học và khoa bảng mà chính Nguyễn Quan Quang là người khai mở truyền thống văn hóa quý giá này của làng Tam Sơn.

 Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh

Quan Quang nổi tiếng thông minh, học một biết mười, lầu thông kinh sử, ứng khẩu thành thơ, luận bàn việc đời, thông thái uyên thâm. Gặp khoa thi Hương, ông ứng thi đậu Giải nguyên. Đến thi Hội lại đậu Hội nguyên. Khi vua Trần Thái Tông mở khoa thi Đại Tỉ thủ sĩ năm Bính Ngọ, niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình thứ 15 (1246), ông đậu Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh (Trạng nguyên). Bắt đầu từ khoa thi này triều đình phong kiến chính thức đặt học vị Tam Khôi (Trạng nguyên, Bảng nhỡn, Thám hoa) trong kỳ thi Đại khoa. Vì vậy, Nguyễn Quan Quang chính thức đoạt danh vị Trạng nguyên khai khoa của Việt Nam. Ông được vua ban quốc tính họ Trần và làm quan đến chức Bộc Xá. Khi mất, ông được tặng Đại Tư Không.

Nhân dân làng Tam Sơn tôn Nguyễn Quan Quang làm thành hoàng và tôn thờ ở đình, chùa đồng thời xây một đền thờ riêng trên núi Viềng. Hàng năm, cứ vào dịp 22 tháng chạp (âm lịch), dân làng lại tổ chức “Tế phong mã” để tưởng nhớ vị Trạng nguyên tài năng và ân đức của quê hương Kinh Bắc, cũng là để nhắc nhở các thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống hiếu học và yêu nước, thương dân của vị Trạng nguyên đầu tiên nước Đại Việt.

3. Hàn Thuyên

Hàn Thuyên tên thật là Nguyễn Thuyên, sinh ngày 15/2, mất ngày 17/5 (hiện chưa rõ năm sinh và năm mất), người làng Lão Hạ, huyện Thanh Lâm, châu Nam Sách (nay là làng Lai Hạ, xã Lai Hạ, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh). Nguyễn Thuyên là cháu nội cụ Nguyễn Dương, vị quan thời nhà Lý được phong Thái Bảo - Quận Công.

Nguyễn Thuyên đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ) khoa Đinh Mùi, niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình thứ 16 (1247) đời Trần Thái Tông. Ông làm quan đến chức Thượng Thư Bộ Hình.

Bấy giờ có nạn cá sấu vào sông Lô, Nguyễn Thuyên được vua Trần Nhân Tông sai làm bài thơ đuổi cá sấu ném xuống sông, cá sấu tự nhiên bỏ đi nơi khác. Nhà vua cho sự việc giống như bài thơ Hàn Vũ (đời Đường, Trung Quốc) bèn cho đổi sang họ Hàn, từ đó mang tên Hàn Thuyên.

Hàn Thuyên là một nhà thơ có vị trí quan trọng trong lịch sử văn học Việt Nam. Theo các nguồn sử liệu, Hàn Thuyên có để lại “Bộ Phi Sa tập” (gồm thơ Nôm và thơ chữ Hán) nhưng nay không còn. Các kết quả nghiên cứu của đa số các học giả đều khẳng định Hàn Thuyên là người sớm nhất sáng tác thơ ca bằng quốc âm. Đặc biệt ông được coi là người khởi xướng việc vận dụng các thể thơ dân tộc kết hợp với thể thơ Đường luật nghiêm ngặt thành thể thơ mới Việt Nam - Thể Hàn Luật, có ý nghĩa mở đầu xu hướng tìm tòi sáng tạo tích cực của nền văn học viết.

Hiện nay, tại quê hương Lai Hạ còn đền thờ Hàn Thuyên gọi là “Thiên mộ từ” truyền rằng làm trên nền nhà xưa của Hàn Thuyên. Đền còn lưu giữ nhiều tài liệu quý, đặc biệt là hệ thống bia đá cổ đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia từ năm 1995, đồng thời được tu bổ, tôn tạo tôn nghiêm trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh của huyện Lương Tài và tỉnh Bắc Ninh.

XEM THÊM SẢN PHẨM BÁN

NỀN TẢNG ĐĂNG TIN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ CHỢ BẮC NINH

Untitled

NHÓM ĐỘC GIẢ ĐỌC BÁO BẮC NINH

20211201_083027


Bài viết liên quan

Bắc Ninh: Đình Tam Tảo- Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia
Bắc Ninh: Đình Tam Tảo- Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia
Văn nghệ dân gian - sự kết tinh giá trị con người Kinh Bắc - Bắc Ninh
Văn nghệ dân gian - sự kết tinh giá trị con người Kinh Bắc - Bắc Ninh
Bắc Ninh: Nét văn hóa đặc sắc của tranh dân gian Đông Hồ
Bắc Ninh: Nét văn hóa đặc sắc của tranh dân gian Đông Hồ
Bắc Ninh: Quê hương chùa tháp, lễ hội và sinh hoạt văn hóa dân gian
Bắc Ninh: Quê hương chùa tháp, lễ hội và sinh hoạt văn hóa dân gian
Bắc Ninh: Đặc sắc nghệ thuật múa rối nước Đồng Ngư
Danh nhân lịch sử tiêu biểu người Bắc Ninh thời kỳ chống Bắc thuộc