Văn nghệ dân gian - sự kết tinh giá trị con người Kinh Bắc - Bắc Ninh
Văn nghệ dân gian Bắc Ninh là sự kết tinh giá trị vật chất và tinh thần của con người trên quê hương Kinh Bắc - Bắc Ninh trong trường kỳ lịch sử, góp phần vào sự nghiệp xây dựng nền văn minh sông Hồng thời mở nước, nền văn minh Đại Việt thời phong kiến, giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.
Múa rối nước Đồng Ngư.
Văn nghệ dân gian Bắc Ninh là sản phẩm lịch sử - xã hội của con người trên vùng quê xứ Bắc với vị thế và vai trò đặc biệt quan trọng trong lịch sử dân tộc. Đây là mảnh đất vốn là nơi sinh của dân tộc Việt, trung tâm diễn ra cuộc đấu tranh lâu dài và khốc liệt của dân tộc khắc phục thiên nhiên và sự xâm lược đồng hóa của kẻ thù trong suốt thiên niên kỷ đầu công nguyên.
Trong quá trình tồn tại và phát triển, văn nghệ dân gian Bắc Ninh là diễn trường lịch sử tiêu biểu của dân tộc. Con người Kinh Bắc - Bắc Ninh đã tạo lập những truyền thống sắc thái văn hóa độc đáo, góp phần làm phong phú bản sắc, phẩm hạnh con người và văn hóa Việt Nam, kết tinh thành “Văn hiến Kinh Bắc”. Ở một vùng quê ghi lại dấu ấn “đặc biệt” của sức mạnh văn hóa trên cả phương diện “Đánh thắng giặc xâm lược bằng sức mạnh văn hóa” và phương diện “Chống lại thú giữ, chinh phục thiên nhiên cũng bằng sức mạnh văn hóa”. Minh chứng cho điều này: Chỉ bằng một bài thơ, Lý Thường Kiệt cùng quân dân Đại Việt nhanh chóng đánh tan cuộc xâm lược của giặc Tống trên dòng sông Như Nguyệt mùa xuân năm 1077; Chỉ bằng một bài văn tế của Nguyễn Thuyên (Hàn Thuyên), ném xuống dòng sông Thái Bình khi xưa mà nạn giặc cá Sấu phải tan giã, giúp dân quanh vùng có cuộc sống bình yên. Dấu ấn “đặc biệt” ấy đã tiếp tục bồi đắp thêm bề dày cho khẳng định chân lý của cha ông truyền lại “Văn hóa còn dân tộc, đất nước còn; Văn hóa mất dân tộc, đất nước mất muôn đời”.
Sức mạnh văn hóa chính là nền tảng tinh thần của xã hội tạo dựng nên “Văn hóa - Văn hiến Kinh Bắc”, trong đó có Văn nghệ dân gian. Văn nghệ dân gian chính là sự đoàn kết, mối liên kết đặc biệt giữa cá nhân và cộng đồng trên cơ sở tình yêu, sự gắn bó máu thịt với quê hương đất nước. Mối liên kết vừa bền chặt, bền vững, vừa rộng mở, tạo cho cộng đồng có sức mạnh đoàn kết to lớn, đồng thời thể hiện ý thức trách nhiệm cao của con người Kinh Bắc trước những khó khăn thử thách trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Từ công cuộc này, xuất hiện những câu truyện truyền thuyết - truyện cổ tích để giáo dục con người trong cộng đồng hướng tới những ước mơ chân - thiện - mỹ như: Truyền thuyết Kinh Dương Vương; truyện Trăm trứng của Lạc Long Quân - Âu Cơ; Ngũ Linh tranh ngọc, Bà Tổ Cô; Kim Ngưu; Tấm Cám; Từ Thức và Vương Chất gặp tiên; Anh Trương Chi…
Qua lao động vất vả, con người đã sáng tạo ra những giá trị tinh thần bằng ca dao - tục ngữ nhằm đúc rút kinh nghiệm trong tự nhiên, xã hội, đạo đức, lối sống để giáo dục cộng đồng tiếp tục có những cách sống nhân văn, nhân ái cao cả “Trong họ ngoài làng”; “Tối lửa tắt đèn có nhau”; “Sống ở làng, sang ở nước”; “Thương người như thể thương thân”; “Tứ hải giao tình, bốn biển một nhà”… Nhờ đó các giá trị chuẩn mực văn hóa vật chất tinh thần của gia đình, dòng họ, làng xã được xây dựng, bảo tồn và phát triển, đồng thời tạo nên nội lực mạnh mẽ để tiếp thu tinh hoa văn hóa trong các vùng quê cả nước và ngoại nhập. Các dòng dân ca và diễn xướng ra đời để tổ chức các hoạt động văn hóa tinh thần phục vụ đời sống thường nhật như: hát Ca Trù, Trống Quân, Chèo, Tuồng, Ví… Đặc biệt người Kinh Bắc - Bắc Ninh đã sáng tạo ra những nét riêng văn hóa dân gian độc đáo như: Hát Chèo Chải hê, hát Trống Quân, rối nước Đồng Ngư… và tinh hoa hơn cả là Dân ca Quan họ hay Văn hóa Quan họ - Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Dân ca Quan họ không chỉ là một loại hình văn hóa dân gian xứ Kinh Bắc, mà đã lan tỏa trong và ngoài nước, mang những giá trị văn hóa Việt kết nối cộng đồng. Dân ca Quan họ đã trở thành một loại hình nghệ thuật đạt tới trình độ cao về diễn xướng, lời ca và âm nhạc… tổng hợp, hòa quện với các phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội… đậm chất trữ tình, hào hoa, thanh lịch, góp phần tích cực trong quá trình hội nhập văn hóa quốc tế, mang một sức sống mới hòa vào dòng chảy thời đại của văn hóa dân tộc Việt Nam.
Ngày nay, cùng với tác động của nền kinh tế thị trường, các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa ngày càng phong phú, sôi động. Bên cạnh những mặt tích cực, có rất nhiều sản phẩm phản văn hóa, chỉ coi trọng lợi ích tiền bạc làm cho thị trường văn hóa bị ảnh hưởng tiêu cực. Bởi vậy, những chuẩn mực văn hóa truyền thống từ góc độ Văn nghệ dân gian Kinh Bắc - Bắc Ninh càng cần được giữ gìn, bảo tồn và phát huy trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân xứ Bắc và cần được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng dân tộc, để góp phần quan trọng và là nguồn lực mạnh mẽ ngăn chặn có hiệu quả sự xâm nhập, gây tác hại của các thế lực thù địch chống phá lại đất nước ta trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa, bài trừ các tệ nạn xã hội, xây dựng một môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc./.
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh
XEM THÊM SẢN PHẨM BÁN
NỀN TẢNG ĐĂNG TIN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ CHỢ BẮC NINH
NHÓM ĐỘC GIẢ ĐỌC BÁO BẮC NINH