Bắc Ninh: Quê hương chùa tháp, lễ hội và sinh hoạt văn hóa dân gian

Vốn là tổ đình của Phật giáo Việt Nam và là quê hương nhà Lý, triều đại sùng mộ đạo Phật, Bắc Ninh - Kinh Bắc từ ngàn xưa đã là quê hương của chùa tháp nổi tiếng với những ngôi chùa có quy mô to lớn, cổ kính, kiến trúc tạo tác rất công phu, tài nghệ như: chùa Dâu, chùa Bút Tháp, chùa Phật Tích, chùa Dạm, chùa Bách Môn, Tiêu Sơn, Cổ Pháp…

Chùa Dâu - đệ nhất cổ tự.

Đây là những danh lam cổ tự bậc nhất và là những di sản kiến trúc, điêu khắc nghệ thuật tiêu biểu của dân tộc ta. Nơi hành đạo của nhiều bậc thiền sư như: Khâu Đà La, Tì-ni-đa-lưu-chi, Pháp Hiền, Vạn Hạnh, Khánh Văn, Huyền Quang, Dương Không Lộ… và hàng nghìn sư tăng đã góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của dân gian với lòng vị tha, bác ái, trở thành nét tiêu biểu của tinh thần đạo lý Việt Nam.

Sinh hoạt Phật giáo, nơi chùa tháp gắn chặt, hòa nhập với lễ hội và sinh hoạt văn hóa dân gian. Bắc Ninh là xứ sở hay còn được mệnh danh là vương quốc của lễ hội, chủ yếu là hội chùa, hội đền. Hầu như làng quê nào cũng có lễ hội, được tổ chức chủ yếu là vào mùa xuân. Có những lễ hội lớn nổi tiếng cả vùng, cả nước như: hội Gióng, hội Dâu, hội Đền Đô, hội Lim, hội Phật Tích, hội Bút Tháp… Hội do làng tổ chức nhưng cũng có hội lớn do cả xã, tổng hoặc cả vùng phối hợp tổ chức như: hội Dâu do 12 làng tổ chức, hội Lim do cả tổng Nội Duệ, hội đền Đậu do cả tổng Mộ Đạo tổ chức, hội Thập đình do 10 làng trong tổng Đông Cứu tổ chức… Nhờ vậy mà lễ hội được tổ chức chu đáo, quy mô to lớn, với các nghi thức uy nghiêm trang trọng (rước sách, tế lễ, dâng hương…) và các hoạt động văn hóa nghệ thuật hết sức phong phú, hấp dẫn, đậm đà bản sắc mỗi làng quê Kinh Bắc.

Hội Dâu có rước Tứ pháp, hội Phả Lại có rước nước, hội Đồng Kỵ có rước và thi pháo, hội đền Đô rước và tế lễ Lý Bát Đế, hội Phật Tích có diễn tích Từ Thức gặp tiên Giáng Hương; rồi hội chen Nga Hoàng, hội mã Đông Hồ, hội thi nói khoác Đông Yên, hội Lim… Mỗi hội một nét riêng, mỗi làng quê một vẻ, làm nên sự phong phú, đa dạng và sự hoành tráng của lễ hội dân gian xứ Kinh Bắc bởi màu sắc rực rỡ, âm thanh nhạc điệu uy nghiêm, rộn rã với sự tham gia diễn xướng của hàng nghìn người. Lễ hội là dịp để người Bắc Ninh - Kinh Bắc thể hiện sự tài hoa, tinh tế và lịch lãm trong giao tiếp, ứng xử với bạn bè, quý khách.

Về ăn mặc, dân Kinh Bắc ưa sang trọng nhưng nền nã. Nam khăn xếp áo the, ô lục soạn; nữ áo mớ ba mớ bẩy, nón thúng quai thao. Họ đón tiếp nhau thật lịch sự, cầu kỳ nhưng lại rất thân tình nồng hậu, với lời lẽ văn hoa để biểu thị sự trân trọng, tôn vinh quý khách, thắm thiết như tình ruột thịt “tứ hải giao tình, bốn biển một nhà”. Rồi họ thiết đãi bạn bè, quý khách những bữa cơm thịnh soạn với những món ăn đặc sản, được chế biến rất công phú, tinh tế, thể hiện sự tài đảm của phụ nữ xứ Bắc, lòng quý trọng khách, truyền thống ẩm thực của người vùng quê này: “Ăn xứ Bắc, mặc xứ Kinh”… Rồi người xứ Bắc mời nhau, mời quý khách cùng thưởng thức, cùng tham gia vào các sinh hoạt văn hóa nghệ thuật dân gian của làng quê mình: nghe hát Quan họ, hát ca trù, xem diễn chèo, diễn tuồng, xem múa rối nước… mà người trình diễn chính là nông dân, thợ thủ công, tiểu thương hàng ngày vẫn chuyên cần với nghề nghiệp của chính mình. Vậy mà tất cả họ đều là những nghệ nhân đầy tài hoa trong hoạt động và sáng tạo nghệ thuật, mang tâm hồn và phẩm chất của người nghệ sĩ.

Bắc Ninh - Kinh Bắc có những làng nghệ thuật, đó là làng tranh Đông Hồ, làng hát ca trù Thanh Tương, tức Kẻ Tướng “Kẻ Tướng đi hát kiếm quan tiền dài”, làng rối nước Bùi Xá, Đồng Ngư, các làng Đa Hội, Đồng Kỵ, Tam Lư, Tấn Bào… nổi tiếng với những đội Tuồng tài danh, tồn tại từ nhiều thế kỷ nay. Và cả một vùng với 49 làng Quan họ. Đây là sinh hoạt văn hóa nghệ thuật độc đáo riêng có của người Bắc Ninh - Kinh Bắc, đạt tới đỉnh cao của thi ca và âm nhạc.

Hàng trăm làn điệu, hơn 500 bài ca và những cách chơi, lối hát, lễ thức ứng xử của người Quan họ vừa thanh lịch, tinh vế, vừa chặt chẽ, khuôn mẫu nhưng lại biến hóa khôn lường. Mỗi người một vẻ, mỗi làng quê một phong cách làm nên tính phong phú, hấp dẫn của sinh hoạt văn hóa Quan họ - vừa đậm chất dân gian, vừa mang tính bác học. Sinh hoạt văn hóa Quan họ thể hiện tập trung và tiêu biểu phẩm chất, tính cách, đạo lý sống của người xứ Bắc: chuyên cần, năng động, tháo vát trong làm ăn, anh hùng quả cảm trong đấu tranh chống thiên thai địch họa, yêu mến say mê và tài hoa trong hoạt động văn hóa nghệ thuật nhưng bao trùm và trên hết là quý trọng, tôn vinh tình nghĩa con người với con người - giá trị cơ bản của nền văn hiến Kinh Bắc - “Tình chung một khắc, nghĩa dài trăm năm”. “Tứ hải giao tình, bốn biển là nhà”, lấy ân nghĩa làm giá trị cao quý nhất trong quan hệ giữa người với người.

Bước vào kỷ nguyên mới, thời đại Hồ Chí Minh quang vinh, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, Bắc Ninh nổi tiếng là vùng quê sớm có phong trào cách mạng, nơi ra đời các tổ chức tiền thân của Đảng, mảnh đất sinh thành và nuôi dưỡng những vị lãnh tụ tiền bối xuất sắc của Đảng là Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo… Nơi đây cũng là quê hương của nhiều bậc tài danh trên các lĩnh vực kinh tế, khoa học, nghệ thuật góp phần xứng đáng vào công cuộc giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước, phát triển văn hóa Việt Nam.

Từ ngàn xưa đến nay, Bắc Ninh vẫn luôn xứng danh là miền đất trù phú, kinh tế phát triển, là quê hương của thi ca, mảnh đất của văn hóa nghệ thuật phát triển đến đỉnh cao.

 Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh

XEM THÊM SẢN PHẨM BÁN

NỀN TẢNG ĐĂNG TIN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ CHỢ BẮC NINH

Untitled

NHÓM ĐỘC GIẢ ĐỌC BÁO BẮC NINH

20211201_083027


Bài viết liên quan

Bắc Ninh: Di tích chùa Doi Sóc, phường Phù Chẩn
Bắc Ninh: Di tích chùa Doi Sóc, phường Phù Chẩn
Bắc Ninh: Đặc sắc nghệ thuật múa rối nước Đồng Ngư
Bắc Ninh: Đặc sắc nghệ thuật múa rối nước Đồng Ngư
Văn nghệ dân gian - sự kết tinh giá trị con người Kinh Bắc - Bắc Ninh
Văn nghệ dân gian - sự kết tinh giá trị con người Kinh Bắc - Bắc Ninh
Danh nhân lịch sử - văn hóa tiêu biểu người Bắc Ninh thời Nguyễn (Thế kỷ XIX - XX)
Danh nhân lịch sử - văn hóa tiêu biểu người Bắc Ninh thời Nguyễn (Thế kỷ XIX - XX)
Bắc Ninh - Miền quê của những di sản lịch sử văn hóa truyền thống
Bắc Ninh: Văn hóa Quan họ - vẹn nguyên nét đẹp vùng Kinh Bắc