Danh nhân lịch sử tiêu biểu người Bắc Ninh thời kỳ chống Bắc thuộc
Trong công cuộc đấu tranh với giặc phương Bắc, quê hương Bắc Ninh - Kinh Bắc tự hào vì có những người con là những danh tướng tài ba như: tướng Cao Lỗ Vương với vũ khí nỏ thần vô cùng lợi hại trong cuộc chiến với Triệu Đà, cuộc chiến đầu tiên bảo vệ lãnh thổ và Đức Thánh Tam Giang (Trương Hống - Trương Hát) giúp Triệu Quang Phục đánh đuổi quân xâm lược nhà Lương vào thế kỉ VI.
Đền thờ Cao Lỗ Vương.
1. Cao Lỗ Vương
Cao Lỗ Vương quê ở thôn Sĩ Lộ (nay là Tiểu Than) xã Vạn Ninh, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, vùng đất thuộc sông Lục Đầu. Có 7 làng thuộc 02 xã Cao Đức và Vạn Ninh, đều có đình thờ đức Cao Lỗ Vương làm thần hoàng.
Cao Lỗ là danh tướng của nhà nước Âu Lạc đã giúp vua An Dương Vương xây thành Cổ Loa, chế tạo nỏ Liên Châu (nỏ thần) chống lại các cuộc xâm lược của giặc Triệu Đà. Trước khi trở thành danh tướng, Cao Lỗ là một đô vật nổi tiếng, dân gian quen gọi là Đô Lỗ.
Vì ngăn cản vua An Dương Vương cầu hòa với Triệu Đà và gả công chúa Mỵ Châu cho Trọng Thủy, Cao Lỗ đã bị vua An Dương Vương đuổi khỏi thành. Bí mật quốc gia về cung nỏ bị nhà Triệu đánh cắp dẫn đến nhà nước Âu Lạc sụp đổ và cha con An Dương Vương đắm chìm đáy biển. Nghe tin giặc Triệu chiếm thành Cổ Loa, Cao Lỗ từ quê nhà cùng thủ hạ xông ra cứu vua nhưng không cản được giặc. Ông và người em là Cao Tứ anh dũng hy sinh trên chiến trường.
Hiện nay, khu di tích lăng mộ, đền và đình thờ Cao Lỗ Vương nằm trên bãi bồi ven sông Đuống thuộc thôn Đại Trung (tên nôm là làng Lớ) xã Cao Đức, huyện Gia Bình. Đền thờ Cao Lỗ Vương đã được UBND tỉnh Hà Bắc (cũ) xếp hạng từ năm 1988, đến năm 2005 được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Tỉnh Bắc Ninh đã đầu tư tu bổ, tôn tạo khu di tích Cao Lỗ Vương thành khu du lịch văn hóa tâm linh tiêu biểu của tỉnh và của huyện Gia Bình. Lễ hội tưởng niệm Đức Cao Lỗ Vương được duy trì tổ chức vào ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm và đã trở thành lễ hội lớn của huyện Gia Bình và của tỉnh Bắc Ninh.
Khuôn viên Đền thờ Đức Thánh Tam Giang (Nguồn BBN).
2. Đức Thánh Tam Giang
Đức Thánh Tam Giang là danh xưng mà người dân Việt Nam tôn vinh hai anh em ruột Trương Hống và Trương Hát - những danh tướng của vua Triệu Quang Phục.
Theo bộ “ Đại Việt sử ký toàn thư”, hai anh em ruột Trương Hống và Trương Hát đã giúp Triệu Quang Phục đánh đuổi quân xâm lược nhà Lương (Trung Quốc) vào thế kỉ VI. Sau do Lý Phật Tử (Hậu Lý Nam Đế) tiếm quyền của Triệu Quang Phục, hai ông bất hợp tác bị Lý Phật Tử bức tử. Sau này hai ông đã linh ứng giúp Ngô Vương phá giặc Hán trên sông Lục Đầu Giang. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Tống của quân dân nhà Lý thế kỷ XI, Trương Hống - Trương Hát đã hiển linh ở đền Ngã Ba Xà (Tam Giang, huyện Yên Phong) giúp Lý Thường Kiệt đánh thắng giặc Tống trên chiến tuyến Như Nguyệt. Với công tích đó, các triều vua Việt Nam đã truy phong Trương Hống - Trương Hát là Thánh Tam Giang, cho soạn thần tích và sắc phong cho dân 372 làng thuộc lưu vực ba con sông là sông Cầu, sông Thương, sông Cà Lồ thờ làm thành hoàng.
Theo các bàn thần phả và di tích thờ Thánh Tam Giang ở đền Ngã Ba Xà và đền Vân Mẫu, đức Thánh Tam Giang là con bà Phùng Thị Nhan, quê ở làng Vân Mẫu, nay thuộc phường Vân Dương, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Tại đây, còn hệ thống di tích: Nghè thờ đức Thánh bằng đá xanh được tạc rất công phu và tài nghệ là di phẩm nghệ thuật điêu khắc đá tiêu biểu thế kỷ XIX; Nhà cố trạch (nhà ở xưa của gia đình đức Thành) nay là nơi thờ các đức Thánh và Thánh mẫu; Đền và lăng mộ Thánh mẫu, truyền rằng đền được xây dựng ở ngay phần mộ Thánh mẫu sau khi qua đời là nơi thờ riêng đức Thánh mẫu Tam Giang.
Các công trình thờ tự trên đã được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia từ năm 1989 và ngày nay được bảo tồn, tu bổ, tôn tạo khang trang./.
XEM THÊM SẢN PHẨM BÁN
NỀN TẢNG ĐĂNG TIN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ CHỢ BẮC NINH
NHÓM ĐỘC GIẢ ĐỌC BÁO BẮC NINH