Danh nhân lịch sử - văn hóa tiêu biểu người Bắc Ninh thời hiện đại: Đồng chí Hoàng Quốc Việt
Đồng chí Hoàng Quốc Việt - nguyên Bí thư Xứ ủy Bắc kỳ, Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam (nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Ông là nhà hoạt động cách mạng thuộc lớp những cán bộ tiền bối của Đảng, đã có công lao và đóng góp to lớn cho cách mạng Việt Nam.
Đồng chí Hoàng Quốc Việt (Nguồn Internet).
Đồng chí Hoàng Quốc Việt tên thật là Hạ Bá Cang, sinh ngày 28/5/1905 tại xã Đáp Cầu, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh (nay là phường Đáp Cầu, thành phố Bắc Ninh). Ông là một trong những công nhân cách mạng đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam.
Năm 1922, đồng chí học ở trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng và tham gia các phong trào đấu tranh của học sinh, thanh niên, thợ thuyền đất cảng. Năm 1925, khi đang học năm thứ ba, đồng chí đã tham gia phong trào bãi khoá và tham gia đoàn biểu tình phản đối chính quyền thực dân kết án tử hình nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu. Bị đuổi học, năm 1926, đồng chí đi làm thợ nguội ở mỏ Phấn Mễ (Thái Nguyên) được 3 tháng thì về làm ở mỏ than Mạo Khê. Năm 1927, đồng chí về làm ở Sở Ca Rông Hải Phòng và tham gia hoạt động cách mạng. Thời gian này, đồng chí đã gặp những chiến sĩ cách mạng tiền bối như Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Lương Khánh Thiện.
Tháng 7 năm 1928, đồng chí Hoàng Quốc Việt được kết nạp vào Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Giữa năm 1929, đồng chí được phái vào Nam Bộ hoạt động cùng với đồng chí Ngô Gia Tự, Lê Văn Lương. Đến cuối năm 1929, theo chủ trương của Đảng, đồng chí được giới thiệu xuống làm việc ở tàu Chantilly của Pháp để có điều kiện tìm đường sang Pháp tìm hiểu và móc nối liên lạc với phong trào công nhân và Đảng Cộng sản Pháp.
Sau Hội nghị thành lập Đảng, tháng 2 năm 1930, đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương lâm thời. Tháng 4 năm 1930, trên đường ra Bắc dự hội nghị, đồng chí đã bị thực dân Pháp bắt tại Hải Phòng và tra tấn dã man, đánh gãy chân, phải mang tật mãi đến sau này.
Nửa cuối năm 1930, đồng chí bị thực dân Pháp kết án tù chung thân; cuối năm 1930, bị đày ra Côn Đảo cùng với các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ... Tại Côn Đảo, cùng các đồng chí trong Đảng, đồng chí đã tiến hành xây dựng tổ chức Đảng trong tù, thực hiện việc “Biến nhà tù thành trường học cách mạng”.
Cuối năm 1936, do thắng lợi của Mặt trận nhân dân Pháp, đồng chí Hoàng Quốc Việt cùng một số chiến sĩ cách mạng khác được trả tự do. Đầu năm 1937, ngay sau khi ra tù, đồng chí đã cùng với một số đồng chí khác tổ chức xuất bản một số tờ báo công khai ở Hà Nội như: Bạn Dân, Thời Thế... và được phân công cùng đồng chí Trường Chinh phụ trách các tờ báo của Đảng ở Bắc Kỳ. Tháng 5 năm 1937, đồng chí Hoàng Quốc Việt được cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ.
Trong những năm tháng cực kỳ khó khăn của cách mạng, đồng chí đã đi nhiều nơi từ Nam ra Bắc, chắp nối, khôi phục, củng cố và phát triển nhiều cơ sở đảng và lực lượng quần chúng, chuyển hướng các hình thức, phương thức hoạt động, đấu tranh cho phù hợp với tình hình nhiệm vụ. Năm 1941, đồng chí tham dự Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ Tám do Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập, chủ trì và đồng chí đã được cử vào Trung ương Đảng. Tháng 8 năm 1945, đồng chí Hoàng Quốc Việt được bầu vào Thường vụ Trung ương Đảng.
Sau đó, đồng chí Hoàng Quốc Việt và đồng chí Cao Hồng Lãnh được cử dẫn đoàn cán bộ thay mặt Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh vào Nam Bộ “để chỉ đạo và kiểm tra việc khởi nghĩa giành chính quyền”. Tháng 2 năm 1946, đồng chí Hoàng Quốc Việt trở ra Pác Bó và từ tháng 7 năm 1947 là Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng trực tiếp phụ trách Tổng bộ Việt Minh.
Từ tháng 3 năm 1951 đến năm 1957, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị, phụ trách công tác dân vận, mặt trận và làm Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam. Năm 1960, đồng chí được bầu vào làm Viện Trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, tham gia Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội trưởng Hội Hữu nghị Việt - Trung.
Tháng 12 năm 1976, trong Đại hội IV Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và tiếp tục giữ nhiều chức vụ: Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1977), Chủ tịch danh dự Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1983), là Đại biểu Quốc hội các khóa V, VI, VII, VIII.
Đồng chí Hoàng Quốc Việt là một nhà cách mạng vô sản bất khuất, đã xuất hiện trong lịch sử chính trị cận - hiện đại của dân tộc với tư cách là một thành viên của thế hệ những chiến sĩ cộng sản ban đầu, liên tục là một thành viên có uy tín của Bộ tham mưu lãnh đạo sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, kháng chiến chống các thế lực ngoại xâm bảo vệ nền độc lập và khôi phục sự thống nhất đất nước. Đồng chí cũng là một trong số rất ít các nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam, suốt cuộc đời hoạt động, liên tục tham gia các cương vị lãnh đạo chủ chốt của Đảng ngay từ những ngày đầu Đảng mới thành lập. Cả cuộc đời đồng chí đã gắn liền và có những đóng góp tích cực vào dòng chảy cách mạng vô sản Việt Nam trong nhiều khúc quanh của lịch sử dân tộc ở thế kỷ XX. Đồng thời, cuộc đời hoạt động chính trị của Hoàng Quốc Việt đã để lại nhiều dấu ấn lịch sử chung với các nhân vật nổi tiếng như: Hồ Chí Minh, Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Đức Cảnh, Trần Phú, Tôn Đức Thắng, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng…
Đồng chí Hoàng Quốc Việt mất ngày 25/12/1992 tại Hà Nội. Với những đóng góp to lớn, đặc biệt xuất sắc trong công cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, đồng chí đã được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Đảng và Nhà nước ta - cùng nhiều huân, huy chương cao quý khác.
Để ghi nhớ những đóng góp to lớn của đồng chí Hoàng Quốc Việt với cách mạng Việt Nam, tại các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Cần Thơ, Quảng Ninh đều có đường mang tên đồng chí. Đặc biệt khi đến thành phố Bắc Ninh, du khách sẽ được thăm công viên và tượng đài mang tên Hoàng Quốc Việt, nơi tưởng niệm và tôn vinh đồng chí - người cộng sản kiên cường suốt đời vì Đảng - vì Dân.
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh
XEM THÊM SẢN PHẨM BÁN
NỀN TẢNG ĐĂNG TIN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ CHỢ BẮC NINH
NHÓM ĐỘC GIẢ ĐỌC BÁO BẮC NINH