Danh nhân lịch sử - văn hóa tiêu biểu người Bắc Ninh thời Nguyễn (Thế kỷ XIX - XX)

Triều Nguyễn - triều đại Phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam, đã tồn tại 143 năm (1802-1945) với 13 đời vua Nguyễn. Triều Nguyễn cũng là một triều đại đánh dấu nhiều thăng trầm trong lịch sử Việt Nam, đặc biệt là cuộc xâm lược của người Pháp giữa thế kỷ 19. Trong thời kỳ này, Bắc Ninh - Kinh Bắc tự hào vì có những người con mang tên: Cao Bá Quát, Nguyễn Cao, Nguyễn Quyền, Vũ Trinh, Hoàng Văn Hòe, Nguyễn Đăng Sở - những danh nhân lịch sử văn hóa tiêu biểu của dân tộc và của quê hương Bắc Ninh.

Đền thờ Nguyễn Cao ở thôn Cách Bi, xã Cách Bi, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh (Nguồn - Internet)

1. Cao Bá Quát (1809 - 1854)

Cao Bá Quát hiệu là Chu Thần, quê ở làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Từ năm 1962, huyện Gia Lâm được cắt chuyển về thành phố Hà Nội.

Cao Bá Quát là hậu duệ Cao Bá Hiên, làm tới chức Thượng thư Bộ Binh thời Hậu Lê. Cha ông là Cao Bá Thiều là bậc tài danh đương thời, anh em sinh đôi với Cao Bá Đạt, nổi tiếng văn chương.

Cao Bá Quát nổi tiếng thông minh được truyền trong dân gian là “Thánh Quát”. Năm 22 tuổi (1831), ông đậu Á nguyên trường thi Hà Nội nhưng thi Hội hai lần đều hỏng, buồn chán đi ngao du trong nước.

Năm Tân Sửu (1841), ông được quan đầu tỉnh Bắc Ninh đề cử và ông được triệu vào kinh sung chức hành tẩu Bộ Lễ. Ít lâu sau, ông được cử chấm thi Hương Thừa Thiên. Lúc chấm bài thấy 24 quyển viết hay nhưng lỡ phạm húy, ông bàn với bạn đồng sự (đỗ cử nhân cùng khóa) là Phan Nhạ lấy muội đèn làm mực chữa lại. Sự việc bị phát giác, ông bị tống giam vào ngục Trấn Phủ rồi chuyển đến ngục Thừa Thiên. Ông được vua Thiệu Trị tha tội chém, án đổi thành “dương trình hiệu lực phục vụ quân thứ” nghĩa là sung vào lính đi nước ngoài để lấy công chuộc tội. Vào khoảng cuối năm 1843, Cao Bá Quát được triều đình phát phối đi Đà Nẵng, chờ ngày lên tàu theo phái đoàn Đoàn Trí Phú đi dương trình sang Indonesia. Sau khi về nước, Cao Bá Quát được phục chức rồi thăng làm Chủ sự.

Năm Giáp Dần (1854), Cao Bá Quát được điều chuyển về Sơn Tây làm giáo thụ phủ Quốc Oai. Tại đây, ông phẫn chí bỏ quan, làm quân sư cho Lê Duy Cự khởi binh chống lại triều đình. Cuộc khởi binh thất bại, Cao Bá Quát bị bắt và bị triều đình hành quyết cùng với hai người con trai là Cao Bá Phùng, Cao Bá Phong.

Cao Bá Quát còn để lại bộ sách “Chu thần thi tập”. Thơ văn của ông phản ánh khá đa dạng và đặc sắc, nói lên tình cảm vợ chồng, cha con, bè bạn, về các anh hùng dân tộc, về những người dân thường, về cảnh đọa đầy tù ngục, sưu cao thuế nặng… Qua đó, đã thể hiện sự bất bình với chế độ đương thời, sự ưu ái, lo đời của Cao Bá Quát. Thơ văn của ông dù bằng chữ Hán hay chữ quốc âm đều có giá trị nghệ thuật cao.

Cao Bá Quát là một danh nhân lịch sử văn hóa tiêu biểu của dân tộc và của quê hương Bắc Ninh thế kỷ XIX.

2. Vũ Trinh (1751 - 1827)

Vũ Trinh là con cả của Vũ Thiệu, cháu nội của Tiến sĩ Quốc tử giám Tế tửu Vũ Miên - một gia tộc nổi tiếng hiếu học và có truyền thống khoa bảng của làng Ngọc Quan, nay thuộc xã Lâm Thao, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh.

Vũ Trinh vốn nổi tiếng thông minh, hiếu học. Năm 17 tuổi, ông đỗ Hương Cống, được bổ làm tri phủ Quốc Oai, rồi được phong tới chức Hữu tham chi Bộ Hình.

Khi nhà Lê mất, đến triều Tây Sơn rồi đến triều Nguyễn lên thay, Vũ Trinh lui về ở ẩn. Sau này ông được vua Gia Long triệu ra làm quan cho nhà Nguyễn.

Với kiến thức uyên thâm, Vũ Trinh đã có nhiều đóng góp cho triều Nguyễn và được cử đi sứ nhà Thanh. Ông được ca ngợi có học vấn sâu rộng, văn chương điển lệ. Những chiếu sách, văn từ đầu thời Gia Long phần nhiều được Vũ Trinh soạn thảo. Đặc biệt, Vũ Trinh là người đã tham gia soạn thảo bộ Hoàng Việt luật lệ - tức bộ luật Gia Long - bộ hình luật lớn đầu tiên của triều Nguyễn - công cụ pháp lý để nhà Nguyễn cai quản đất nước. Ông còn được vua Gia Long giao cho soạn thảo (dự thảo) Phàm lệ soạn sử cho Sử cục - tức những quy định, nguyên tắc để sau đó quốc sử triều Nguyễn biên soạn bộ Quốc triều thực lục.

Trong sự nghiệp văn học, Vũ Trinh là cây bút tài hoa đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị tiêu biểu như: tập thơ “Sứ yêu”, “Cung oán”, đặc biệt là tập truyện dân gian “Lan trì Kiến văn lục” có giá trị về lịch sử và văn học mang giá trị nhân văn sâu sắc.

Đáng chú ý, Vũ Trinh là anh rể của đại thi hào Nguyễn Du. Ông cũng là người được Nguyễn Du tin tưởng giao cho đọc, nhận xét và phê bình tác phẩm Truyện Kiều nổi tiếng của mình.

Vũ Trinh được các nhà nghiên cứu đánh giá là nhà văn hóa nổi tiếng của Bắc Ninh - Kinh Bắc cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX.

3. Nguyễn Đăng Sở (1745 - 1840)

Nguyễn Đăng Sở sinh năm Giáp Tuất (1745). Ông là cháu nội của Nguyễn Đăng Giai, quê làng Hương Triện nay thuộc xã Nhân Thắng, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.

Nguyễn Đăng Sở xuất thân dòng dõi quý tộc thời Lê Trịnh, quê gốc làng Nguyệt Viên (Hoằng Hóa, Thanh Hóa), tổ tiên tới cư trú ở Hương Triện vào đầu thế kỷ XVIII.

Vốn thông minh và hiếu học, năm 24 tuổi Nguyễn Đăng Sở đỗ Hương Cống, năm 34 tuổi đỗ Nhị giáp Tiến sĩ (tức Hoàng giáp) khoa thi Đinh Mùi (1787). Sau khi đỗ Hoàng giáp, Nguyễn Đăng Sở được bổ làm quan cho ba triều kế tiếp nhau là triều Lê - Trịnh, triều Tây Sơn và triều Nguyễn. Ông từng giữ các chức: Hàn lâm viện hiệu lý, tước Hương Lĩnh bá (triều Lê - Trịnh); Lại Bộ tả thị lang, tước Gia Định hầu, cử làm Hàn lâm viện hiệu ứng, nâng lên tước Hương lý hầu (triều Tây Sơn). Nguyễn Đăng Sở từng được cử đi sứ nhà Thanh và giữ chức Tư nghiệp Quốc tử giám dưới triều Nguyễn (Minh Mạng).

Năm 74 tuổi, Nguyễn Đăng Sở nghỉ hưu, về quê mở trường dạy học. Nhiều học trò của ông đã trở thành người tài trên nhiều lĩnh vực.

Cuộc đời và sự nghiệp quan trường của Nguyễn Đăng Sở đã thể hiện tiêu biểu cho phẩm chất của bậc nho sĩ thức thời, không bị trói buộc trong vòng ngu chung mà nhạy bén, đem tài năng, tâm đức phục vụ cho dân, cho nước trong một giai đoạn đầy biến động và phức tạp của lịch sử dân tộc Việt Nam cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX. Hơn thế, Nguyễn Đăng Sở còn có những đóng góp quan trọng về tư tưởng và văn hóa trong hoạt động của “Bích cầu thiền viện” và những công trình biên khảo có giá trị lớn về tư tưởng như “Trúc lâm tông chỉ nguyên thanh”, “Long thư tịch đồ”…

4. Nguyễn Cao (1828 - 1887)

Nguyễn Cao hiệu là Trác Phong, người làng Cách Bi, xã Cách Bi, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.

Nguyễn Cao là con tri huyện Nguyễn Hành và mẹ là bà Nguyễn Thị Điều, một người phụ nữ xinh đẹp và hiền thục thuộc dòng họ Nguyễn Đức, nổi tiếng võ nghiệp thời Lê - Trịnh.

Nguyễn Cao sớm mồ côi cả cha lẫn mẹ. Ông được ông ngoại, chị gái và anh rể nuôi dạy, dẫn dắt. Vốn có chí tiến thủ và chăm học, năm Đinh Mão (1867), Nguyễn Cao thi đỗ Cử nhân, được bổ tri huyện Yên Dũng và thăng Tri phủ Lạng Giang, sau làm Bố chính Thái Nguyên.

Năm 1873, khi thực dân Pháp xâm lược Bắc Kỳ, Nguyễn Cao đã tập hợp nghĩa binh, khởi nghĩa chống Pháp, giải phóng một vùng rộng lớn ở vùng Bắc Ninh. Đây là cuộc khởi nghĩa chống Pháp đầu tiên ở Bắc Kỳ do Nguyễn Cao lãnh đạo. Khi triều đình nhà Nguyễn ký hiệp ước với Pháp, Nguyễn Cao đã cáo bệnh về quê mở trường dạy học. Nhưng sau đó, ông vẫn được triều đình cử tham gia dẹp giặc và bọn phỉ Tàu quấy nhiễu ở vùng Bắc Giang, Lạng Sơn,…

Năm 1882, thực dân Pháp xâm lược Bắc Kỳ lần thứ hai, Nguyễn Cao tiếp tục tập hợp lực lượng khởi nghĩa chống Pháp, gây cho chúng nhiều tổn thất nặng nề. Ngày 27/3/1887, Nguyễn Cao đã bị giặc Pháp bắt tại Kim Giang (Hà Nội), sau đó chúng  tìm mọi cách mua chuộc, dụ dỗ nhưng ông kiên quyết cự tuyệt. Cuối cùng ông đã tử tiết để giữ tròn khí tiết của một sĩ phu yêu nước.

Nguyễn Cao không chỉ là một danh nhân tiêu biểu cho khí tiết của sĩ phu Bắc Hà và phẩm chất anh hùng, quả cảm của con người Bắc Ninh - Kinh Bắc, ông còn là một nhà thơ với nhiều tác phẩm tiêu biểu. Theo kết quả tìm hiểu của các nhà nghiên cứu, Nguyễn Cao đã để lại 42 bài thơ chữ Hán; một số văn bia soạn cho một số cơ sở thờ tự; một số câu đối tặng thầy và bạn bè, người thân… Những sáng tác này, dù ở thể loại nào cũng thấm đượm tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu con người, thể hiện rõ bản tính, nhân sách của Nguyễn Cao - một sĩ phu đất Kinh Bắc giàu lòng yêu nước.

Hiện nay, tại quê hương Cách Bi, nhân dân đã xây dựng đền thờ Nguyễn Cao để thể hiện sự tưởng nhớ công ơn của danh nhân Nguyễn Cao. Công trình thờ tự này đã được nhà nước xếp hạng và cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia từ năm 1994.

 Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh

XEM THÊM SẢN PHẨM BÁN

NỀN TẢNG ĐĂNG TIN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ CHỢ BẮC NINH

Untitled

NHÓM ĐỘC GIẢ ĐỌC BÁO BẮC NINH

20211201_083027


Bài viết liên quan

Bắc Ninh: Di tích chùa Doi Sóc, phường Phù Chẩn
Bắc Ninh: Di tích chùa Doi Sóc, phường Phù Chẩn
Bắc Ninh: Đặc sắc nghệ thuật múa rối nước Đồng Ngư
Bắc Ninh: Đặc sắc nghệ thuật múa rối nước Đồng Ngư
Bắc Ninh: Quê hương chùa tháp, lễ hội và sinh hoạt văn hóa dân gian
Bắc Ninh: Quê hương chùa tháp, lễ hội và sinh hoạt văn hóa dân gian
Văn nghệ dân gian - sự kết tinh giá trị con người Kinh Bắc - Bắc Ninh
Văn nghệ dân gian - sự kết tinh giá trị con người Kinh Bắc - Bắc Ninh
Danh nhân lịch sử - văn hóa tiêu biểu người Bắc Ninh thời Lê Trung Hưng
Bắc Ninh - Miền quê của những di sản lịch sử văn hóa truyền thống