Danh nhân lịch sử - văn hóa tiêu biểu người Bắc Ninh thời Nguyễn (Thế kỷ XIX - XX) - Phần 2
Những cái tên gồm: Cao Bá Quát, Vũ Trinh, Nguyễn Đăng Sở, Nguyễn Cao - 4 danh nhân lịch sử - văn hóa tiêu biểu của dân tộc Việt Nam, 4 người con ưu tú của quê hương Kinh Bắc thời Nguyễn đã được Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh giới thiệu tới độc giả trong bài “Danh nhân lịch sử - văn hóa tiêu biểu người Bắc Ninh thời Nguyễn (Thế kỷ XIX - XX). Trong bài này, chúng tôi tiếp tục giới thiệu tới độc giả các danh nhân lịch sử - văn hóa tiêu biểu tiếp theo của dân tộc thời Nguyễn - triều đại quân chủ cuối cùng trong lịch sử Việt Nam.
Kinh thành Huế thời Nguyễn (Ảnh: Internet)
5. Hoàng Văn Hòe (1848 - 1885)
Hoàng Văn Hòe hiệu là Cổ Lâm, biệt hiệu Hạc Nhân, người làng Phù Lưu, nay thuộc phường Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Hoàng Văn Hòe đỗ cử nhân khoa thi Canh Ngọ (1870), đỗ Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa thi Canh Thìn niên hiệu Tự Đức thứ 33 (1880) năm 33 tuổi. Ông được bổ chức Hàn lâm viện biên tu, sau lại trúng tuyển khoa thi Yêm Bác (tức uyên bác), được bổ chức Tri phủ Kiến Xương, hàm Thị độc.
Sau khi nhà Nguyễn ký hàng ước Hác măng (Harmand) tháng 8 năm 1883, Hoàng Văn Hòe từ quan ra nhập nghĩa quân chống Pháp của đô đốc Tạ Hiện. Biết ông là người kiên quyết chống Pháp, vua Hàm Nghi xuống chiếu triệu ông về kinh, bổ chức Sử quán biên tu kiêm Kinh diên khởi cư trú để có điều kiện bàn kế sách chống Pháp. Năm 1885, Hoàng Văn Hòe tham gia chiến đấu trong cuộc phản công của Tôn Thất Thuyết ở kinh thành. Sau đó, ông phò vua Hàm Nghi ra Sơn Phòng, Hà Tĩnh. Hoàng Văn Hòe tử trận trong trận tấn công vào tòa Khâm sứ ở Huế ngày 5 tháng 7 năm 1885 do Tôn Thất Thuyết chỉ huy.
Hoàng Văn Hòe để lại tập thơ Hạc Nhân Tùng ngôn và tập sách Yêm Bác khoa văn. Các tác phẩm của ông đã được tuyển dịch, giới thiệu trong các bộ sách lớn của nhà xuất bản văn học Hợp tuyển thơ văn yêu nước nửa sau thế kỷ XIX (1858 - 1930).
6. Nguyễn Giản Tư (1823 - 1890)
Nguyễn Giản Tư người làng Du Lâm, xã Mai Lâm, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Năm 1962, huyện Gia Lâm được chuyển về thành phố Hà Nội.
Nguyễn Giản Tư tên là Văn Phú, ông còn có tên khác là Địch Giản, tự Tuân Phúc và Hi Bật, hiệu là Thạch Nông và Văn Lộc.
Nguyễn Giản Tư xuất thân gia đình có truyền thống hiếu học và khoa bảng nhưng mồ côi cả cha lẫn mẹ từ nhỏ, phải sống với ông bà ngoại.
Nguyễn Giản Tư nổi tiếng hay chữ và chăm học. Ông đỗ Tiến sĩ năm 1844, được bổ làm Hàn lâm viện tu soạn, dần thăng lên Binh khoa cấp sự trung, Quang lộc tự khanh sung biên nội các sự vụ (1855). Ông là viên quan có nhiều đóng góp về chính trị và hành chính, văn hóa cho triều Nguyễn, tiêu biểu là những đề xuất của ông về trị thủy ở vùng châu thổ Bắc Bộ. Sau Nguyễn Giản Tư được thăng Lại bộ Hữu thị lang, sung biện lý Đê chính sự vụ ở Bắc Kỳ. Với những công lao dẹp loạn, ông được thăng Hồng lô tự khanh và được sung vào phái bộ đi sứ nhà Thanh.
Nguyễn Giản Tư đã cùng với Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Đức Hậu, Bùi Viện, dâng sớ lên vua Tự Đức trình bày chương trình canh tân đất nước trước họa xâm lược của thực dân Pháp nhưng đã không được chấp nhận.
Nguyễn Giản Tư không chỉ là viên quan tài, văn võ song toàn mà ông còn là nhà văn hóa có nhiều đóng góp cho nền văn học nước nhà với nhiều tác phẩm ở nhiều thể loại: lý luận, thơ, văn, sử học… Về nghiên cứu lý luận, Nguyễn Giản Tư là một học giả uyên bác. Ông có tầm suy nghĩ sâu sắc và cách nhìn nhận sự vật sắc sảo hơn nhiều nhà nho cùng thời. Về văn học, ông có tới hàng chục tập thơ với trên 1.000 bài, sáng tác rải rác trên 40 năm. Đặc biệt về sử học, Nguyễn Giản Tư đã tham gia biên soạn và khảo duyệt bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục - bộ Quốc sử đồ sộ của Quốc sử quán triều Nguyễn.
Nguyễn Giản Tư là danh nhân lịch sử văn hóa tiêu biểu của dân tộc và quê hương Bắc Ninh - Kinh Bắc thế kỷ XIX.
7. Nguyễn Quyền (1869 - 1941)
Nguyễn Quyền là người làng Đại Mão, nay thuộc xã Hoài Thượng, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ông sinh năm 1869, hiệu là Đông Đường, là một chí sĩ yêu nước. Nguyễn Quyền đỗ tú tài, được bổ làm Huấn đạo tỉnh Lạng Sơn nên còn được gọi là Huấn Quyền.
Năm 1907, Nguyễn Quyền từ chức cùng với Lương Văn Can lập trường Đông Kinh nghĩa thục ở Hà Nội để thực hiện mục đích canh tân đất nước. Nhưng năm 1908, ông đã bị thực dân Pháp bắt giam ở Hỏa Lò (Hà Nội), sau đó đày đi Côn Đảo.
Năm 1910, Nguyễn Quyền được thả nhưng vẫn bị Pháp quản thúc tại Bến Tre cùng với một số chí sĩ như Dương Bá Trạc, Võ Hoành…
Sinh thời, Huỳnh Thúc Kháng có thơ ca ngợi chí khí của Nguyễn Quyền trước uy lực của thực dân Pháp. Nguyễn Quyền mất tại Bến Tre năm 1941, hưởng thọ 72 tuổi.
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh
XEM THÊM SẢN PHẨM BÁN
NỀN TẢNG ĐĂNG TIN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ CHỢ BẮC NINH
NHÓM ĐỘC GIẢ ĐỌC BÁO BẮC NINH