Danh nhân văn hóa tiêu biểu người Bắc Ninh thời Lý

Vương triều Lý là  một triều đại lớn có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước Việt Nam và để lại dấu ấn sâu đậm trong xã hội trên mọi phương diện. Mảnh đất Bắc Ninh - Kinh Bắc tự hào là nơi phát tích vương triều Lý - triều đại khai mở ra nền văn minh Đại Việt gắn liền với tên tuổi những nhân vật lịch sử - văn hoá kiệt xuất là những người con đất Kinh Bắc như: Lý Công Uẩn, Lý Nhân Tông, Nguyên Phi Ỷ Lan, Lê Văn Thịnh…

Tượng đài Lý Thái Tổ.

1. Lý Thái Tổ (974 - 1028)

Lý Thái Tổ húy là Công Uẩn, sinh ngày 08 tháng 3 năm 974, người làng Cổ Pháp (nay thuộc phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Thuở nhỏ, Lý Công Uẩn được nhà sư Vạn Hạnh nuôi dạy ở chùa, nổi tiếng thông minh, văn võ song toàn. Ông làm quan dưới triều Tiền Lê, giữ chức Tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ.

Tháng 10 năm 1009, Lê Ngọa Triều mất, Lý Công Uẩn được triều đình suy tôn lên làm vua, lập nên vương triều Lý, lấy vương hiệu là Lý Thái Tổ, niên hiệu là Thuận Thiên.

Năm 1010, Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La và đổi là thành Thăng Long. Sự tiện lợi mọi mặt của đất Thăng Long cùng với thực thi nhiều chính sách bảo vệ và phát triển đất nước, thực hiện giao hảo tốt với các nước láng giếng đã giúp triều Lý vững vàng về chính trị, hùng mạnh về quân sự, phát triển nhanh về kinh tế, văn hóa, đạt đến mức độ phồn thịnh chưa từng có trong lịch sử trước đó. Đặc biệt, nhân việc dời đô, ông có bài “Chiếu dời đô” thể hiện tầm nhìn xuyên thế kỷ của nhà lãnh đạo đất nước tài ba, có ý thức về sự trường tồn và phát triển và của dân tộc, xứng đáng là áng thiên cổ hùng văn trong lịch sử văn học Việt Nam.

Lý Thái Tổ qua đời ngày 3 tháng 3 năm Mậu Thìn (tức ngày 31/3/1028), thọ 55 tuổi. Lăng mộ ông đặt tại lăng Thiên Đức (Đình Bảng). Triều đình và nhân dân thờ ông tại Đền Đô (Đình Bảng).

2. Lý Thái Tông (1000 - 1054)

Lý Thái Tông húy là Phật Mã. Ông là con trưởng của Lý Thái Tổ, nối ngôi cha năm 1028, là vị hoàng đế thứ hai của triều đại nhà Lý trong lịch sử Việt Nam, cai trị trong 26 năm (1028 - 1054). Ông được đánh giá là một vị hoàng đế tài giỏi, khéo cai trị và chăm lo đời sống nhân dân, phát triển văn hóa. Thời đại của ông được xem là khởi đầu sự thịnh vượng của nhà Lý.

Năm 1042, Lý Thái Tông cho ban hành bộ Hình sự - bộ luật đầu tiên của nhà nước phong kiến Việt Nam. Vua tự đem quân dẹp loạn ở phía Bắc và chống phá giặc quấy phá ở phía Nam.

Năm 1038, vua ban hành “Chiếu khuyến nông” và tự thân cày ruộng tịch điền ở Bố Hải Khẩu. Vua có nhiều sáng kiến trong tổ chức trị án, giáo dục quan lại và dân chúng, bắt cung nữ tự dệt gấm vóc, không dùng hàng của nhà Tống. Năm 1044, ông cho xây chùa Một Cột. Đế củng cố quyền lực cho nhà Lý, bên trong ông dùng chính sách hòa thân, gả công chúa cho các quan Châu mục, bên cạnh đó còn dẹp loạn đảng làm phản như Loạn họ Nùng; bên ngoài Đế đánh được Chiêm Thành, công tích đánh dẹp uy nghi, tiền đề cho các đời sau phát triển phồn thịnh.

3. Vua Lý Thánh Tông (1023 - 1072)

Lý Thánh Tông huý là Nhật Tôn, là con trưởng của vua Lý Thái Tông. Năm 1028, ông được phong làm Đông cung Thái tử. Khi Lý Thái Tông băng hà, ông lên ngôi báu, ở ngôi 17 năm (1054 - 1072).

Lý Thánh Tông là vị vua sáng, có tinh thần tự lập, tự cường. Năm 1054, ông đổi quốc hiệu là Đại Việt với mong ước xây dựng một nước Việt hùng mạnh. Sử sách chép ông là vị vua khéo kế thừa, thực lòng thương dân, trọng việc làm ruộng, thương kẻ bị hình, vỗ về người ở xa, an ủi người gần, hậu lễ dưỡng liêm, tôn sùng đạo học, định rõ chế độ, văn sự thi hành mau chóng bên trong, phía Nam bình Chiêm, phía Bắc đánh Tống, uy vũ hiển hách bên ngoài.

Năm 1070, nhận rõ vai trò quan trọng của Nho giáo đối với việc củng cố và xây dựng một quốc gia độc lập tự chủ, vua Lý Thánh Tông đã cho xây dựng Văn Miếu. Ông có nhiều việc làm trong việc giảm hình phạt cho tù nhân, phát triển phật giáo và văn hóa.

Lý Thánh Tông cùng với Nguyên Phi Ỷ Lan đồng tâm chí trong việc chăm lo chính trị, củng cố quốc phòng, chấn chỉnh văn hóa - xã hội. Đây là thời kỳ phát triển cực thịnh của nhà Lý. Ông mất năm 1072, thọ 50 tuổi.

4. Vua Lý Nhân Tông (1066 - 1128)

Lý Nhân Tông huý là Càn Đức, là con trưởng của vua Lý Thánh Tông và Linh Nhân Hoàng thái hậu (tức Nguyên Phi Ỷ Lan), ở ngôi 56 năm (1072 - 1128).

Lý Nhân Tông là vị vua sáng suốt, hiếu nhân, thông âm luật, chế ca nhạc, là vị vua giỏi của thời Lý. Ông là người mộ đạo Phật, nhưng lại chăm lo mở mang nền Nho học Việt Nam. Vua Lý Nhân Tông là người học trò đầu tiên vào học tại Văn Miếu (1070).

Sau khi lên ngôi được 3 năm, năm 1075, Lý Nhân Tông cho tổ chức khoa thi đầu tiên trong lịch sử khoa cử Việt Nam, đó là khoa Minh kinh bác học và Nho học tam trường để kén chọn nhân tài. Lê Văn Thịnh đỗ đầu, được coi là bậc Khai khoa, được tuyển vào cung hầu vua học. Một năm sau đó, năm 1076, vua cho lập nhà Quốc Tử. Đây là những sự kiện quan trọng, đặt cơ sở cho sự ra đời của chế độ giáo dục, khoa cử Nho học ở Việt Nam.

Năm 1077, tổ chức lãnh đạo cuộc kháng chiến chống xâm lược Tống thắng lợi vang dội trên chiến tuyến Như Nguyệt, khẳng định quyền độc lập dân tộc “Nam Quốc sơn hà Nam đế cư”.

Ông mất ngày 12 tháng 12 năm Đinh Mùi (1127), thọ 61 tuổi, là một trong những vị vua có tuổi thọ cao và là vua thọ nhất trong số các vua triều Lý.

5. Lý Thần Tông (1116 - 1138)

Lý Thần Tông húy là Dương Hoán, cháu gọi Lý Thánh Tông bằng ông, gọi lý Nhân Tông bằng bác, con Sùng Hiền Hậu. Năm 1128, Lý Nhân Tông qua đời, Lý Thần Tông lên nối ngôi, đổi niên hiệu là Thiên Thuận.

Trong thời gian làm vua, Lý Thần Tông được nhiều quan lại là bậc trung thần phò giúp nên đã có nhiều chủ trương, việc làm củng cổ triều Lý và quốc gia Đại Việt như khuyến khích sản xuất nông nghiệp, trả ruộng đất đã bị sung công cho dân, tha cho những người bị tội làm “điền nhi” và “lộ công”, thực hiện việc cho quân lính thay nhau về làm ruộng “ngụ binh ư nông”. Xá tội cho tù binh ở đô hộ phủ, cấm gia nô của các vương hầu và quan lại không được cậy quyền thế đánh quân lính và nhân dân. Ai vi phạm sẽ bị sung làm quan nô và chủ sẽ bị tội đồ.

Nhà vua cũng thực hiện tốt mối bang giao với nhà Tống (Trung Quốc) và Chiêm Thành.

Lý Thần Tông qua đời ở điện Vĩnh Quang ngày 26 tháng 9 năm Mậu Ngọ (1138), táng tại lăng Thiên Đức, Cổ Pháp quê nhà. Triều đình và nhân dân thờ ông  ở Đền Đô (Đình Bảng).

6. Lý Anh Tông (1135 - 1175)

Lý Anh Tông là vị vua thứ 6 của nhà Lý trong lịch sử Việt Nam, cai trị từ năm 1138 tới năm 1175. Ông tên thật là Lý Thiên Tộ, sinh tháng 4 năm Bính Thìn (1136), tại kinh đô Thăng Long, là con trai thứ hai của vua Lý Thần Tông, mẹ là Linh Chiếu Thái hậu. Anh trai là Lý Thiên Lộc, là con hầu thiếp nên không được lập làm người kế vị.

Dưới triều Lý Anh Tông, việc giao thiệp với các nước láng giềng có kết quả tốt. Nhà Lý đã giúp nhà Tống (Trung Quốc) dẹp được nhóm giặc Đoàn Hữu Lượng quấy phá phía Nam nước Tống. Mối quan hệ với Chiêm Thành được thắt chặt bằng việc vua nước Chiêm là Thế Bi La Bút gả con gái cho Lý Anh Tông.

Nhà vua đã sử dụng nhân tài của dân tộc ít người để quản lý các châu bản, khe động phía Bắc, gả công chúa Thiên Dung cho Dương Tự Minh - Tù trưởng dân tộc Tày.

Lý Anh Tông hai lần ra đảo, cho vẽ bản đồ từng đảo và lập thương cảng Vân Đồn vào năm 1149 để buôn bán hàng hóa với nước ngoài.

Vua Lý Anh Tông đã lập con lớn là Long Xưởng làm thái tử, nhưng Long Xưởng phạm lỗi, ông bèn phế truất và lập con thứ còn nhỏ là Long Cán (Trát) là con của hoàng hậu họ Đỗ.

Khi ốm nặng, Anh Tông quyết định uỷ thác con nhỏ cho Tô Hiến Thành. Ông phong Tô Hiến Thành làm Thái phó Bình chương quân quốc trọng sự.

Vua Anh Tông mất tháng 7 năm Ất Mùi 1175, trị vì 37 năm, thọ 40 tuổi. Thái tử Long Cán mới 2 tuổi lên nối ngôi, tức là vua Lý Cao Tông.

7. Nguyên Phi Ỷ Lan (? - 1117)

Theo sử liệu ngày nay còn lưu lại, Nguyên Phi Ỷ Lan sinh vào khoảng những năm 1044. Nguyên phi Ỷ Lan vốn có xuất thân là một cô gái hái dâu, nuôi tằm ở hương Thổ Lỗi (đời Nguyễn thuộc phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh,  nay là xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội). Tên thật của bà cũng khá mơ hồ. Thơ văn Lý - Trần ghi bà là Lê Thị Ỷ Lan, còn sách “Lý Thường Kiệt” của Hoàng Xuân Hãn thì ghi là Lê Thị Yến Loan…

Ỷ Lan là vợ vua Lý Thánh Tông, mẹ vua Lý Nhân Tông.

Sử cũ và truyền tích ở vùng Bắc Ninh cho biết, vua Lý Thánh Tông một lần về chùa vùng Thổ Lỗi lễ phật cầu tự đã gặp một người con gái ngồi tựa gốc lan, chăm chỉ việc tằm tang, không để ý tới việc xa giá của vua Lý. Thấy sự lạ, vua liền gặp và nhận ra đó là người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, bèn tuyển vào cung lập làm Nguyên phi và đặt tên là Ỷ Lan (người con gái tựa gốc lan).

Ngày 25 tháng 1 năm Bính Ngọ (1066), Ỷ Lan sinh con trai đặt tên là Càn Đức. Ngay ngày hôm sau, vua lập Càn Đức làm Hoàng Thái tử, đổi niên hiệu là Chương Thánh Gia Khánh và đại xá thiên hạ, phong Ỷ Lan làm Thần phi.

Ỷ Lan được phong là Nguyên Phi và hai lần thay chồng, con nhiếp chính, coi sóc việc nội trị với nhiều chủ trương và việc làm thiết thực, củng cố triều chính, tăng cường sức mạnh dân tộc, phát triển kinh tế - văn hóa.

Khi làm nhiếp chính, bà đã chủ trương phát triển nông nghiệp đúng đắn, cấm giết trâu bò bừa bãi, trừng trị bọn tham quan ô lại, quan tâm đến phát triển phật giáo được nhân dân ca ngợi gọi là Đức Quan Âm hay bà Tấm như trong truyện cổ tích “Tấm Cám”.

Bà đã cùng Lý Thường Kiệt và các quần thần nhà Lý, lãnh đạo quân dân Đại Việt đánh thắng cuộc xâm lược của nhà Tống, khẳng định quyền độc lập dân tộc của quốc gia Đại Việt là bất khả xâm phạm.

Ỷ Lan không chỉ là nhà chính trị xuất sắc, bà còn có học vấn cao, thông hiểu đạo phật và nhiều việc làm nhằm phát triển phật giáo, nhiều lần đàm đạo với các bậc cao tăng về phật giáo. Tính đến năm 1115, bà đã cho xây cất 150 ngôi chùa, đền.

Ỷ Lan là người có lòng nhân hậu cao cả, bà đã bỏ tiền trong nội phủ ra chuộc những người con gái nhà nghèo phải đi ở đợ rồi gả cho những người nghèo khó không cưới nổi vợ.

Nguyên Phi Ỷ Lan mất ngày 25 tháng 7 năm Đinh Dậu (1117). Tang lễ theo nghi thức hỏa táng và mộ đặt ở thọ lăng Thiên Đức, mang tên Lăng Nương Dâu nay thuộc phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

8. Lý Đạo Thành (993 - 1081)

Lý Đạo Thành xuất thân ở châu Cổ Pháp - đất phát tích của dòng họ Lý (thuộc địa phận Bắc Ninh ngày nay). Ông là tôn thất nhà Lý và làm tới chức Thái sư.

Ngay từ thuở nhỏ, Lý Đạo Thành đã nổi tiếng là bậc thần đồng, thông minh đĩnh ngộ, tướng mạo khác thường. Ông sớm được giáo dục bởi những thầy giỏi. 3 tuổi, Lý Đạo Thành đã hiểu lễ nghĩa, tính tình nhu thuận, kính nhường. 7 tuổi chính thức được tu tập đường văn đường võ đến năm 13 tuổi đã tinh thông văn sách, binh thư, bản thân siêng năng, võ nghệ tinh tiến.

Dưới thời Lý Thánh Tông trị vì đất nước (1054 - 1072), Lý Đạo Thành được đặc biệt tin dùng, được phát huy mọi sở trường, tài năng về chính trị, đặc biệt là nội trị. Với cương vị Thái sư đầu triều, ông đã đặt ra nền móng căn bản, vững chắc cho vương triều Lý. Lý Đạo Thành luôn được Vua giao cho chủ trì việc nước khi Lý Thánh Tông cùng Lý Thường Kiệt đem quân đánh dẹp ngoài biên cương. 

Khi Lý Thánh Tông mất, ông vâng di chiếu tôn phù Lý Nhân Tông lên ngôi nhưng do thẳng thắn, cương trực Lý Đạo Thành bị cách chức và điều đi trấn thủ Nghệ An. Mặc dù vậy, ông vẫn không quên ơn tri ngộ của vua Lý Thánh Tông.

Năm 1074, Lý Đạo Thành được phục chức và mời về triều. Từ đó, ông đã có nhiều đóng góp cho việc xây dựng triều chính, bảo vệ quốc gia Đại Việt, phát triển văn hóa giáo dục như giúp triều Lý mở khoa thi Minh Kinh bác học để tuyển nhân tài, mở đầu nền giáo dục khoa cử Việt Nam. Ông cùng với Nguyên Phi Ỷ Lan và Thái úy Lý Thường Kiệt đã lãnh đạo quân dân nhà Lý đánh thắng cuộc xâm lược của nhà Tống năm 1077 trên chiến tuyến sông Như Nguyệt, khẳng định quyền độc lập bất khả xâm phạm của quốc gia Đại Việt.

Lý Đạo Thành mất tháng 10 năm 1081. Trong di tích Đền Đô, nhân dân thờ ông ở nhà Văn Chỉ cùng với Tô Hiến Thành.

9. Lê Văn Thịnh (1050 - ?)

Lê Văn Thịnh sinh ngày 11 tháng 02 năm Canh Dần (1050) tại làng Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Định, nay là huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Thủa nhỏ, ông nổi tiếng thông minh và hiếu học.

Năm 1075, nhà Lý mở khoa thi Minh Kinh bác học và Nho học tam trường, Lê Văn Thịnh ứng thi và đỗ đầu. Ông được coi là vị Trạng nguyên khai khoa của nước Việt.

Lê Văn Thịnh được tuyển vào cung dạy vua học. Với tài năng và tâm đức, ông được triều đình trọng dụng và làm tới chức Thị lang Bộ Binh.

Năm Giáp Tý (1084), Lê Văn Thịnh được cử làm chánh sứ tới trại Vĩnh Bình thương nghị với phái bộ nhà Tống về biên giới nhằm đòi nhà Tống trả lại các động: Vật Dương, Vật Ác thuộc châu Quảng Nguyên (Cao Bằng) do Nùng Trí Cao dân hàng nhà Tống.

Cuộc tranh biên giữa Lê Văn Thịnh với viên chánh sứ nhà Tống là Thành Trạc dẫn tới kết cục thắng lợi. Nhà Tống đã phải trả lại các động chiếm trái phép của quốc gia Đại Việt.

Với chiến thắng về ngoại giao ở trại Vĩnh Bình, Lê Văn Thịnh được cất nhắc lên chức Thái sư.

12 năm giữ chức Thái sư triều Lý (1084 - 1096), Lê Văn Thịnh đã có nhiều đóng góp đưa triều Lý phát triển đến giai đoạn cường thịnh, khiến quốc gia Đại Việt có vị thế lớn trong khu vực và trên thế giới.

Năm 1096, vụ án “Hồ Dâm Đàm” xảy ra, Lê Văn Thịnh bị triều đình khép tội “hóa hổ” dọa vua để cướp ngôi. Ông bị đày lên trại Thao Giang mà không bị xử tội chết vì là người có công dạy vua.

Sự thực vụ án “Hồ Dâm Đàm” là cái cớ do các thế lực ghen ghét quan Thái sư Lê Văn Thịnh dựng lên để loại ông ra khỏi vũ đài chính trị thời Lý. Vì vậy, sau này vào triều Lê, Lê Văn Thịnh đã được triều đình và các sử thần nhận thấy nỗi oan của ông trong vụ trọng án “Hồ Dâm Đàm” (tức Hồ Tây) do đó đã biên soạn thần tích và sắc phong cho nhân dân làng Bảo Tháp - nơi quê hương của Lê Văn Thịnh và nhiều làng xã khác ở vùng Kinh Bắc - Bắc Ninh thờ làm thần hoàng bởi ông là bậc công thần triều Lý Nhân Tông.

Đền thờ ông ở quê hương Bảo Tháp đã được công nhận là Di tích lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia. Nhiều đình, đền, nghè thờ quan Thái sư ở Bắc Ninh cũng được nhà nước xếp hạng và cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa. Nhiều trường học, đường phố ở Bắc Ninh đã được mang tên ông. Đặc biệt đền thờ quan Thái sư ở quê hương Bảo Tháp đã được nhà nước đầu tư, tu bổ khang trang và là một trong những công trình chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long  - Hà Nội.

10. Nguyễn Công Truyền (989 - 1069)

Nguyễn Công Truyền người làng Đại Bái, xã Đại Bái, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, làm quan Đô úy nhà Lý. Khi làm quan, Nguyễn Công Truyền học được nghề đúc và gò dát đồng, sau đó từ quan về quê dạy dân làm nghề. Khi mất, ông được dân làng Đại Bái tôn là tổ sư nghề đồng. Triều đình gia phong là “Dực bảo trung hưng linh phù chi thần” và cho lập đền thờ và lăng mộ để thờ phụng. Khu thờ phụng Nguyễn Công Truyền đã công nhận và cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Sau vị Tiên sư nghề đồng Nguyễn Công Truyền còn 5 người được tôn là Hậu tiên sư tại làng Đại Bái là:

Phạm Ngọc Thanh: Hậu tiên sư ngành đánh mâm.

Nguyễn Viết Lai, Vũ Viết  Thái: Hậu tiên sư ngành đánh nồi.

Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Công Tâm: Hậu tiên sư ngành đánh ấm.

 Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh

XEM THÊM SẢN PHẨM BÁN

NỀN TẢNG ĐĂNG TIN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ CHỢ BẮC NINH

Untitled

NHÓM ĐỘC GIẢ ĐỌC BÁO BẮC NINH

20211201_083027


Bài viết liên quan

Bắc Ninh: Đình Tam Tảo- Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia
Bắc Ninh: Đình Tam Tảo- Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia
Văn nghệ dân gian - sự kết tinh giá trị con người Kinh Bắc - Bắc Ninh
Văn nghệ dân gian - sự kết tinh giá trị con người Kinh Bắc - Bắc Ninh
Bắc Ninh: Nét văn hóa đặc sắc của tranh dân gian Đông Hồ
Bắc Ninh: Nét văn hóa đặc sắc của tranh dân gian Đông Hồ
Bắc Ninh: Quê hương chùa tháp, lễ hội và sinh hoạt văn hóa dân gian
Bắc Ninh: Quê hương chùa tháp, lễ hội và sinh hoạt văn hóa dân gian
Bắc Ninh: Đặc sắc nghệ thuật múa rối nước Đồng Ngư
Danh nhân lịch sử tiêu biểu người Bắc Ninh thời kỳ chống Bắc thuộc