Bắc Ninh: Nét văn hóa đặc sắc của tranh dân gian Đông Hồ

Nghề làm tranh dân gian đông hồ là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Hiện nay, UBND tỉnh Bắc Ninh đang phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ trình Chính phủ đề nghị UNESCO công nhận tranh dân gian Đông Hồ là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Tranh dân gian Đông Hồ.

1. Nguồn gốc ra đời

Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử và mỹ thuật đã dày công tìm hiểu nguồn gốc và thời điểm ra đời của tranh Đông Hồ, nhưng cho đến nay vẫn chưa có những kết luận khoa học cũng như các nguồn tài liệu đáng tin cậy về nguồn gốc và lịch sử tranh dân gian Đông Hồ.

Tranh Đông Hồ cơ bản được sản xuất theo phương pháp khắc ván, in ấn. Mỗi bức tranh có bao nhiêu màu thì có bấy nhiêu ván khắc, thêm một ván in nét đen nữa. Phương pháp này rất gần với kỹ thuật in kinh Phật mà Đông Hồ thuộc vùng Dâu – Luy Lâu, trung tâm Phật giáo lớn và cổ xưa nhất nước ta. Tại Dâu – Luy Lâu, từ những thế kỷ đầu Công nguyên, việc khắc ván in kinh Phật đã phát triển tại trung tâm Phật giáo này. Rất có thể việc in kinh Phật từ việc khắc ván, kỹ thuật in có mối quan hệ tới việc ra đời của nghề làm tranh dân gian làng Đông Hồ.

2. Quy trình sản xuất tranh Đồng Hồ

Đề tài phong phú:

- Tranh thờ: Vẽ các hình tượng, vật dụng phục vụ việc thờ cúng trong gia đình và các nơi sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng như mâm ngũ quả, bình hương, bình hoa, tranh chữ dạng thư pháp, tranh các nhân vật lịch sử được nhân dân thờ phụng như Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền, …

- Tranh chúc tụng: Thể hiện ước mơ ngàn đời của nhân dân lao động được sống thanh bình, cuộc sống no đủ, hạnh phúc như tranh thả diều cưỡi trâu thổi sáo của em bé, tranh tiến tài tiến lộc, …

- Tranh lịch sử: Vẽ các anh hùng dân tộc đang cầm quân xông trận đánh đuổi giặc xâm lược như Bà Trưng, Bà Triệu cưỡi voi ra trận; Ngô Quyền đánh thắng giặc Nam Hán trên sông Bạch Đằng, …

- Các loại tranh truyện như Truyện Kiều, Phạm Công Cúc Hoa, Lục Vân Tiên; tranh sinh hoạt, tranh phê phán các thói hư tật xấu, …

Nội dung trong tranh Đông Hồ phản ánh khá phong phú đời sống vật chất và tinh thần của con người và xã hội thời phong kiến theo quan điểm mỹ học dân gian độc đáo.  Đó là những bức tranh thể hiện ước mơ có cuộc sống thanh bình, hòa thuận, gia đình ấm no, hạnh phúc, những trò chơi dân gian hồn nhiên, vui nhộn (đánh vật, múa sư tử, múa rồng,…). Rồi những bức tranh thờ, những bức tranh về các anh hùng dân tộc,  những tranh phê phán nhẹ nhàng nhưng sâu sắc những thói hư tật xấu của con người.

Quá trình sản xuất:

Tranh Đông Hồ có nhiều khâu, song công đoạn chính là sáng tác mẫu, khắc ván và in vẽ tranh.

- Sáng tác mẫu: Đây là khâu lao động sáng tạo và có kỹ năng của các nghệ nhân Đông Hồ. Có thể nói sáng tác mẫu là khâu quan trọng quyết định sự tồn tại và phát triển của nghề làm tranh. Sáng tạo mẫu mới nhằm tạo ra sản phẩm mới, làm cho kho tàng tranh ngày càng phong phú, đa dạng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

- Khắc ván: Nghệ nhân khắc ván mẫu tranh Đông Hồ là người có kỹ thuật chạm khắc giỏi. Trước khi khắc ván, người thợ phải chọn gỗ để khắc. Loại ván in nét phải dùng gỗ thị (hoặc gỗ thừng mực), vì gỗ thị thớ đa chiều, vừa mềm dễ khắc lại vừa dai, do đó khắc ván in nét tạo ván gọn, mảnh nhỏ, tinh vi và ván in lại bền. Ván in màu dùng gỗ dổi hay gỗ mỡ, là loại thớ gỗ mềm thớ gỗ mịn, nhẹ, dễ hút màu, vì vậy khi in màu mới đượm.

- In tranh, vẽ tranh: Nếu như sáng tác mẫu, khắc ván in là khâu sản xuất ra tư liệu sản xuất, thì vẽ tranh là việc sản xuất ra sản phẩm tranh. Việc in tranh, vẽ tranh là khâu sản xuất cuối cùng, đòi hỏi các thao tác kỹ thuật chính xác, công phu và nhiều sáng tạo, linh hoạt.

Về nguyên vật liệu: Nguyên vật liệu dùng để in tranh gồm giấy dó, màu các loại, ván in, co ván, thét lá bông.

- Giấy dó: Là giấy làm từ cây dó ở trên rừng, loại giấy này người Đông Hồ mua từ làng làm giấy Đống Cao thuộc phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh. Đây là loại giấy chuyên dùng để in tranh Đông Hồ.

- Màu các loại:

+ Màu trắng: Được làm từ mai con điệp ở biển, được tán nhỏ rồi nắm như nắm cơm, đem phơi khô, khi dùng đem luyện với hồ nếp rồi bồi lên bề mặt giấy gió để in tranh. Màu trắng điệp óng ánh, lấm tấm như vảy bạc là nét đặc sắc của nền tranh Đông Hồ.

+ Màu đỏ vang: Được chế từ cây gỗ vang trên rừng, người ta cưa cây vang thành từng đoạn ngắn rồi chẻ nhỏ, cho vào nồi đun kỹ đến khi nước cô lại thành màu đỏ sẫm thì được.

+ Màu son: Lấy từ bột thỏi son nhặt ở trên núi, đem tán nhỏ hòa thành màu son đỏ của núi.

+ Màu đen: Lấy từ than lá tre khô, than rơm đem ngâm nước, ngâm càng lâu màu đen càng đượm bền.

+ Màu vàng: Được chế từ hoa hòe hay hạt cây dành dành, đem sao vàng rồi cho đun trong nước thật kỹ và nhở lửa.

- Co ván: Là một vật dụng cầm ván để in. Người thợ chọn những cành cây vừa phải có khúc cong rồi đẽo thành dụng cụ co ván. Ở đầu co ván đóng giá đinh, trước khi in đóng co ván vào phía sau ván in để cầm co ván khỏi xô lệch khi in tranh.

- Thét lá bông: Được chế từ lá cây thông khô, đem buộc chặt thành cái chổi dùng để bôi màu trên nền giấy.

3. Ý nghĩa nhân văn

Tìm hiểu tranh dân gian Đông Hồ, ngoài tính độc đáo trong phương pháp làm tranh, còn thấy tính độc đáo trong cách chọn chủ đề và cách khai thác tích truyện mà chúng ta không thể bắt gặp trong các dòng tranh dân gian khác. Đặc biệt, ở mỗi bức tranh, dù là miêu tả hiện thực đời sống xã hội hay phản ánh ước vọng của người dân thì bức tranh nào cũng mang đậm ý nghĩa nhân văn. Ý nghĩa nhân văn đó khi thì được bộc lộ trong niềm mong ước về sự vinh hoa phú quý, khi thì ẩn chứa trong các bức tranh thờ, khi lại phảng phất trong các bức tranh mô tả đời sống tinh thần của người dân,… và ở mỗi bức tranh, ý nghĩa nhân văn đó có mức độ sâu sắc khác nhau, nhưng có cái chung là đều mang bản sắc văn hóa Việt, tình cảm của người Việt./.

 Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh

XEM THÊM SẢN PHẨM BÁN

NỀN TẢNG ĐĂNG TIN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ CHỢ BẮC NINH

Untitled

NHÓM ĐỘC GIẢ ĐỌC BÁO BẮC NINH

20211201_083027


Bài viết liên quan

Bắc Ninh: Di tích chùa Doi Sóc, phường Phù Chẩn
Bắc Ninh: Di tích chùa Doi Sóc, phường Phù Chẩn
Bắc Ninh: Đặc sắc nghệ thuật múa rối nước Đồng Ngư
Bắc Ninh: Đặc sắc nghệ thuật múa rối nước Đồng Ngư
Văn nghệ dân gian - sự kết tinh giá trị con người Kinh Bắc - Bắc Ninh
Văn nghệ dân gian - sự kết tinh giá trị con người Kinh Bắc - Bắc Ninh
Danh nhân lịch sử - văn hóa tiêu biểu người Bắc Ninh thời Nguyễn (Thế kỷ XIX - XX)
Danh nhân lịch sử - văn hóa tiêu biểu người Bắc Ninh thời Nguyễn (Thế kỷ XIX - XX)
Bắc Ninh - Miền quê của những di sản lịch sử văn hóa truyền thống
Bắc Ninh: Văn hóa Quan họ - vẹn nguyên nét đẹp vùng Kinh Bắc