Danh nhân lịch sử - văn hóa tiêu biểu người Bắc Ninh thời hiện đại: Giáo sư Trần Đức Thảo

Giáo sư Trần Đức Thảo - một trong những người thuộc thế hệ trí thức Tây học xuất sắc đầu thế kỉ XX. Với trách nhiệm của một công dân yêu nước, Trần Đức Thảo sẵn sàng từ bỏ con đường vinh hoa để trở về Tổ quốc chung sức cùng nhân dân cả nước đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng quê hương, đất nước.


Giáo sư Trần Đức Thảo (26/9/1917- 24/4/1993 )- Ảnh: Tư liệu

Giáo sư Triết học Trần Đức Thảo sinh ngày 26/9/1917 tại làng Song Tháp, nay thuộc phường Châu Khê, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Phụ thân là ông Trần Đức Tiến, một viên chức của Sở Bưu điện Hà Nội.

Từ nhỏ đến lúc đi du học, Trần Đức Thảo ở với cha mẹ ở Hà Nội. Năm 1923-1935, ông học ở trường tiểu học và trung học Pháp tại Hà Nội. Ông từng đạt giải Nhì cuộc thi triết học các trường trung học toàn quốc Pháp và đỗ tú tài năm 1935.

Năm 1936, ông nhận học bổng sang Paris học dự bị để thi vào Đại học Sư phạm phố Ulm. Từ 1936-1943, ông học ngành triết học và nhận văn bằng đặc biệt của ngành giáo dục về triết học. Năm 1943, Trần Đức Thảo đỗ thủ khoa Thạc sĩ Triết học tại Đại học Sư phạm phố Ulm. 

Tháng 12/1944, từ một trí sĩ yêu nước, Trần Đức Thảo bắt đầu hoạt động đấu tranh giải phóng dân tộc.

Tháng 9/1945, Trần Đức Thảo viết truyền đơn và họp báo ủng hộ Việt Minh và Chính Phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tháng 12/1945, Trần Đức Thảo bị chính phủ Pháp bỏ tù. Trong xà lim nhà tù, Trần Đức Thảo đã viết bài báo nổi tiếng “Sur l’Indochine” (Về Đông Dương), phản đối thực dân Pháp trở lại xâm lược Đông Dương, khẳng định quyết tâm giành độc lập của nhân dân các nước Đông Dương. Cũng trong thời gian ở tù, do chiêm nghiệm và ý thức về sự đối nghịch sâu sắc giữa dân tộc thuộc địa với chủ nghĩa tư bản đế quốc, Trần Đức Thảo đã hướng tới con đường chủ nghĩa Mác-Lênin. Định hướng ấy sau này thành tác phẩm Hiện tượng học và Chủ nghĩa duy vật biện chứng - 1951, được các nhà triết học Pháp và thế giới đánh giá rất cao, được dịch ra nhiều thứ tiếng.

Tháng 2/1946, do có sự đấu tranh của Đảng Cộng sản Pháp, của các trí thức Pháp và của Việt kiều, nhà cầm quyền Pháp đã phải thả tự do cho Trần Đức Thảo. Cũng trong năm 1946, ông đã được đón và tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Pháp nhiều lần. Trần Đức Thảo đã mong muốn được về nước để tham gia kháng chiến nhưng được Bác khuyên ở lại Pháp tiếp tục học tập, nghiên cứu khoa học và hoạt động trong phong trào Việt kiều yêu nước, tranh thủ sự ủng hộ của các trí thức Pháp, nhất là các tri thức trong Đảng Cộng sản Pháp. Vì vậy những năm sau đó, Trần Đức Thảo tích cực hoạt động khoa học và cách mạng tại Pháp.

Ngày 4/1/1949, Trần Đức Thảo được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh cử làm thành viên Hội đồng giáo dục Quốc gia (lúc này ông đang ở Pháp).

Năm 1952, Trần Đức Thảo về nước, sau đó ông lên chiến khu Việt Bắc tham gia kháng chiến. Tại chiến khu Việt Bắc, Trần Đức Thảo đã nghiên cứu thực tế và báo cáo với Trung ương Đảng về hoạt động sản xuất của các xí nghiệp tại Việt Bắc và  thực trạng các trường học tại Việt Nam.

Năm 1953, ông làm việc tại Văn phòng đồng chí Trường Chinh với vai trò là thư ký của Tổng Bí thư và phiên dịch các tác phẩm của đồng chí Trường Chinh. Sau đó ông được cử làm thành viên của Ban Văn - Sử - Địa (tiền thân của Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam sau này).

Hoà bình lập lại ở miền Bắc năm 1954, Trần Đức Thảo trở thành Giáo sư triết học, Phó Giám đốc Đại học Sư phạm Văn khoa, Chủ nhiệm Khoa học Lịch sử Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Từ năm 1961-1973, ông làm chuyên viên cao cấp của Nhà xuất bản Sự thật (nay là NXB Chính trị Quốc gia). Từ năm 1973-1993, ông viết báo, sách bằng tiếng Pháp, tiếng Đức.

Năm 1992, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cử Giáo sư sang Pháp công tác kết hợp với chữa bệnh. Tại đây ông đã hoàn tất công trình triết học “Vấn đề con người và chủ nghĩa lý luận không có con người”.

Đầu năm 1993, Giáo sư Trần Đức Thảo lâm bệnh nặng và mất ngày 24/4/1993 tại Paris. Di hài Giáo sư được đưa về Hà Nội, an táng tại nghĩa trang Văn Điển.

Với những đóng góp to lớn về tư tưởng trên nhiều lĩnh vực như: Nhân học, Lịch Sử, Ngữ văn học, Tâm lí học, đặc biệt là Triết học, năm 2000 Giáo sư Trần Đức Thảo đã được Nhà nước truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học xã hội.

 Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh

XEM THÊM SẢN PHẨM BÁN

NỀN TẢNG ĐĂNG TIN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ CHỢ BẮC NINH

Untitled

NHÓM ĐỘC GIẢ ĐỌC BÁO BẮC NINH

20211201_083027


Bài viết liên quan

Bắc Ninh: Di tích chùa Doi Sóc, phường Phù Chẩn
Bắc Ninh: Di tích chùa Doi Sóc, phường Phù Chẩn
Danh nhân lịch sử tiêu biểu người Bắc Ninh thời kỳ chống Bắc thuộc
Danh nhân lịch sử tiêu biểu người Bắc Ninh thời kỳ chống Bắc thuộc
Bắc Ninh: Đặc sắc nghệ thuật múa rối nước Đồng Ngư
Bắc Ninh: Đặc sắc nghệ thuật múa rối nước Đồng Ngư
Văn nghệ dân gian - sự kết tinh giá trị con người Kinh Bắc - Bắc Ninh
Văn nghệ dân gian - sự kết tinh giá trị con người Kinh Bắc - Bắc Ninh
Danh nhân lịch sử - văn hóa tiêu biểu người Bắc Ninh thời Nguyễn (Thế kỷ XIX - XX)
Bắc Ninh - Miền quê của những di sản lịch sử văn hóa truyền thống