Danh nhân lịch sử - văn hóa tiêu biểu người Bắc Ninh thời Lê Sơ (Thế kỷ XV)

Thời Lê Sơ trị vì đất nước ta trong vòng 100 năm (1428-1527), đây là thời kỳ thịnh trị nhất của triều Lê và cũng là thời kỳ vĩ đại, hoàng kim của chế độ phong kiến Việt Nam với nhiều thành tựu rực rỡ trong sự nghiệp phát triển nền văn minh Đại Việt từ kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục thi cử, quân sự... 

Trạng Lợn Nguyễn Nghiêu Tư (Ảnh nguồn Internet)

Ở thời Lê Sơ, những tên tuổi lỗi lạc là người Bắc Ninh như: Vũ Mộng Nguyên, Đàm Văn Lễ, Nguyễn Nhân Phùng, Nguyễn Nhân Thiếp, Nghiêm Ích Khiêm, Vũ Kiệt, Đàm Thận Huy đã được sướng lên. Các ông đều là những tên tuổi khoa bảng, những nhà giáo, nhà thơ nổi tiếng, để lại tiếng thơm muôn đời và là niềm tự hào của quê hương Bắc Ninh - Kinh Bắc nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung.

1. Vũ Mộng Nguyên (1380 - ?)

Vũ Mộng Nguyên hiệu là Vị Khê, (hay Lạn Kha), người làng Đông Sơn, huyện Tiên Du, trấn Kinh Bắc, nay thuộc thôn Đông Sơn, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.

Năm 23 tuổi, ông đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ) khoa Canh Thìn, năm Thánh Nguyên thứ hai (1400) thời nhà Hồ (đời Hồ Quý Ly), cùng khoa với Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Nguyễn Mộng Tuân.

Do biến loạn (sau khi giặc Minh cướp nước) Vũ Mộng Nguyên không ra làm quan mà ở nhà dạy học, đào tạo nhiều nhân tài.

Đến khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418-1427) thành công, Lê Lợi lên ngôi vua (1428), mời ông ra làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, tước Thái Trung đại phu, sau thăng làm Tế tửu Quốc tử Giám (Hiệu trưởng). Tài năng và đức độ của Vũ Mộng Nguyên được nhiều người khâm phục, được tôn xưng là “Minh Phú” (bậc sáng suốt, có tài đức). Ông về hưu năm 74 tuổi, không rõ ông mất năm nào.

Vũ Mộng Nguyên để lại tập thơ “Vị Khê thị tập” và 38 bài được sao lục các tuyển tập thơ thế kỉ 15 như trong “Hoàng Việt Thi tuyển” và “Toàn Việt thi lục”... Thơ Vũ Mộng Nguyên phản ánh tâm sự một người dân mất nước, bùi ngùi thương cảm, oán giận và biểu hiện khí tiết trong sạch, an phận nghèo, thấm đượm tư tưởng Phật, Lão của người muốn xa lánh danh lợi song cũng mang cả tiếng nói hào hùng của một dân tộc đang vươn mình đứng dậy, quật ngã quân thù.

Hiện ông được thờ tại chùa làng Đông Sơn (Chân Khai Tự) thôn Đông Sơn, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du, Bắc Ninh.

2. Đàm Văn Lễ (1456 - 1505)

Đàm Văn Lễ tự Hoằng Kính, hiệu Chân Trai (có sách chép là Đạo Trai) là người làng Đa Cấu, nay thuộc xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Ông là tổ phụ tiến sĩ Đàm Văn Triết, nổi tiếng thần đồng, thi Hương đỗ giải nguyên.

Năm Kỉ Sửu (1469) đời Lê Thánh Tông, Đàm Văn Lễ ứng thí đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ. Ông có chân trong Tao Đàn nhị thập bát tú.

Lúc mới vào triều, làm Hàn lâm Hiệu lí, đến năm Quí Mão (1483) làm Hàn lâm thị thư. Năm Mậu Thân (1488), ông sung chức chánh sứ sang nhà Minh, về được thăng Phó đô ngự sử. Năm Quí Sửu (1493), ông làm Thượng thư Bộ Lễ kiêm Đông các đại học sĩ, bấy giờ ông soạn bài văn bia Chiêu lăng thần đạo.

Năm Kỉ Mùi (1499), khi sứ Minh sang sách phong, ông phụng mạng tiếp sứ tại quán dịch, mọi nghi lễ đều do ông sắp đặt khiến sứ Minh phải khâm phục. Năm Giáp Tí (1504) Lê Hiến Tông mất, ông cùng với Nguyễn Quang Bật theo di chiếu lập Thải tử Thuần lên ngôi tức Túc Tông, kiên quyết không nhận để lập Lê Uy Mục. Vì thế khi Túc Tông mất, Lê Uy Mục lên ngôi liền tìm cách trả thù, giáng làm Thừa tuyên sứ ở Quảng Nam. Trên đường vào xứ Quảng, đến sông An Lục (thuộc huyện Chân Phúc, tỉnh Nghệ An) ông bị Lê Uy Mục cho người theo bức tử. Ông khẩu chiến một bài thơ nôm rồi nhảy xuống sông tự vẫn vào tháng 7 năm 1505.

Đến đời Hồng Thuận (1509 - 1516), triều đình xét ông vô tội truy phong ông làm Bái Trung Lang.

Đàm Văn Lễ có nhiều đóng góp với văn hóa nước nhà như: vâng lệnh Lê Thánh Tông soạn bộ sách lớn “Thiên Nam dư hạ tập”, “Thân chinh ký sự”; các bia ký đề vào các bia Tiến sĩ Văn Miếu Quốc Tử giám (Thăng Long) từ khoa thi năm 1442, 1448; soạn văn bia Chiêu Lăng (1498) về Lê Thánh Tông; soạn lại danh sách Lũng Nhai công thần; sao chép một bản Lam Sơn thực lục soạn từ thời Thuận Thiên.

Đàm Văn Lễ còn là một nhà thơ. Sách Toàn Việt thi lục còn ghi lại 35 bài thơ của ông, phần lớn là thơ đi sứ. Thơ ông thiên về mô tả thiên nhiên với những cảnh sắc cụ thể, ít khuôn sáo thể hiện tâm trạng nhớ nước, thương nhà, gửi gắm nỗi sầu muộn, được xếp vào mục hiền thần.

3. Nguyễn Nhân Phùng (1450 - ?)

Nguyễn Nhân Phùng có sách ghi là Nguyễn Nhân Bẩy, Nguyễn Xung Ý, Nguyễn Trọng Ý… người họ Nguyễn làng Kim Đôi, nay thuộc xã Kim Chân, thành phố Bắc Ninh, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh - một dòng họ của một làng nổi tiếng về truyền thống hiếu học và khoa bảng của Việt Nam thời phong kiến.

Nguyễn Nhân Phùng đỗ Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ khoa thi Kỷ Sửu niên hiệu Quang Thuận thứ 10 (1969) đời Lê Thánh Tông và được vua Lê Thánh Tông ngự bút ban cho tên Xung Xác (Xung có nghĩ là trẻ tuổi mà quan cao, văn hay mà thâm thúy, khiêm tốn hòa nhã; Xác là người cẩn thận, chính xác, rõ ràng, cởi mở).

Nguyễn Nhân Phùng làm quan tới chức Hiển cung đại phu, Hàn lâm viện Thị độc, Kiêm Tứ Lâm cục Tư Huấn, Lễ Bộ Tả thị lang, từng đi sứ nhà Minh.

Gia đình Nguyễn Nhân Phùng có truyền thống khoa bảng đặc sắc. Năm anh ruột đều đỗ Tiến sĩ và làm quan đồng triều:

- Nguyễn Nhân Thiếp đỗ Tiến sĩ năm 1466, làm Tế tửu Quốc Tử Giám.

- Nguyễn Nhân Dư đỗ Tiến sĩ năm 1472, làm Hiến sát sứ.

 - Nguyễn Nhân Đại đỗ Tiến sĩ năm 1475, làm Hàn lâm kiểm thảo.

- Nguyễn Nhân Bị đỗ Tiến sĩ năm 1481, làm quan tới Binh bộ Thượng thư, từng đi sứ nhà Minh.

4. Nguyễn Nhân Thiếp (1452 - ?)

Nguyễn Nhân Thiếp tự là Tồn Trung, hiệu Thứ Trai, thụy Bắc Hợp, quê ở làng Kim Đôi, nay thuộc xã Kim Chân, thành phố Bắc Ninh, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Ông là em trai Nguyễn Nhân Phùng, cha của Nguyễn Hoành Khoản, Nguyễn Huân, Nguyễn Nhân Kính.

Năm 15 tuổi, Nguyễn Nhân Thiếp đỗ Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ (đứng thứ nhất) khoa Bính Tuất niên hiệu Quang Thuận thứ 7 (1466) đời Lê Thánh Tông, trở thành người đỗ Tiến sĩ trẻ tuổi nhất nước ta trong khoa cử Hán học thời phong kiến. Sau đó Nguyễn Nhân Thiếp lại trúng khoa Hoành từ, được bổ làm quan.

Ông từng giữ các chức: Hiển cung đại phu, Hàn Lâm viện thi thư, Tam Giang tham nghị, Hải Dương tham nghị, Công bộ tả thị lang, Đông các đại học sĩ, Quốc Tử Giám tế tửu, Thông Chương đại phu. Sau ông được thăng đến chức Lại Bộ Thượng thư và từng được cử đi sứ nhà Minh.

5. Nghiêm Ích Khiêm (1459 - 1502)

Nghiêm Ích Khiêm tự là Ích Khiêm, thụy là Bình Sơn, người làng Quan Độ, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.

Nghiêm Ích Khiêm sinh năm Kỷ Mão (1459) trong dòng họ Nghiêm có truyền thống võ quan từ thời Lý - Trần - với “Thập đại liên đăng quan triều”.

Năm 32 tuổi, Nghiêm Ích Khiêm đỗ Đệ Nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng Giáp) khoa Canh Tuất, niên hiệu Hồng Đức thứ 21 (1440) đời Lê Thánh Tông. Sau ông đổi sang ngạch võ làm đến chức Đô Chỉ huy sứ. Nghiêm Ích Khiêm là em họ Tiến sĩ Nghiêm Phụ và anh vợ của Tiến sĩ Đàm Thận Huy, người là Hương Mạc (thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).

6. Đàm Thận Huy (1463 - 1525)

Đàm Thận Huy, tự Mặc Hiên, thụy Trung Hiến, sinh năm Quý Mùi (1463), người làng Hương Mạc, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Năm 28 tuổi đỗ Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ khoa thi Canh Tuất niên hiệu Hồng Đức thứ 21 (1440) đời Lê Thánh Tông, là thành viên Hội Tao đàn và từng được cử đi sứ nhà Minh.

Đàm Thận Huy làm quan cho sáu đời vua Lê: từ Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, Lê Túc Tông, Lê Uy Mục, Lê Tương Dực, Lê Chiêu Tông. Ông làm quan đến chức Đại thần, từng được giao nắm giữ các chức vụ quan trọng: Thượng Thư bộ Hình, Thượng Thư bộ Lễ, tước Lâm Xuyên hầu, rồi cầm đầu phái bộ nhà Lê đi sứ nhà Minh. Ở nhiệm vụ nào, Đàm Thận Huy cũng thể hiện tài năng mẫn cán, hoàn thành xuất sắc công việc được giao, đồng thời có nhiều đóng góp quan trọng cho nhà vua và triều đình.

Khi nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, Đàm Thận Huy khởi binh ở vùng Bắc Giang chống lại nhà Mạc, nhưng vì thế lực yếu nên ông đã cùng hai học trò là Nguyễn Tự Cường và Nguyễn Hữu Nghiêm uống thuốc độc tự tử. Người đời ca ngợi cho là tiết nghĩa tụ họp ở cả một cửa.

Mạc Đăng Dung trọng nghĩa cao cả của Đàm Thận Huy tặng tước Hầu. Sau nhà Lê Trung Hưng xếp ông vào hạng liệt tiết dực vận tán trị công thần, phong làm Phúc thần và lập đền thờ tại quê nhà Hương Mạc, cho biển đề “Tiết nghĩa từ”.

Đàm Thận Huy còn để lại tác phẩm “Sĩ hoạn châm quay” nói về quy chuẩn của người làm quan chân chính và 12 bài thơ chữ Hãn chép trong “Toàn Việt thi lục”.

Đền thờ quan tiết nghĩa Đàm Thận Huy ở làng Hương Mạc đã được nhà nước công nhận và cấp bằng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia từ năm 1998.

7. Vũ Kiệt (1453 - ?)

Vũ Kiệt người làng Cửu Yên (nay thuộc xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh).

Từ thủa nhỏ, Vũ Kiệt đã ham học, sau khi đỗ thi hương, thi hội, Vũ Kiệt được vào thi đình. Tại kỳ thi năm Nhâm Thìn (1472) niên hiệu Hồng Đức, với bài “Văn sách thi đình”, Vũ Kiệt đã được vua Lê Thánh Tông chấm Trạng nguyên. Vì tên nôm của làng Cửu Yên là Vít nên dân gian gọi luôn vị tân khoa là Trạng Vít. 

Bài "Văn sách thi đình" của ông đã được triều đình coi như một kiệt tác nói về “Sách lược” để trị nước, an dân và được lưu truyền làm mẫu mực cho các sĩ tử sau này học tập.

Vũ Kiệt làm quan đến chức Tả thị lang bộ Công, kiêm Đông các hiệu thư. Ông là vị quan đại thần thanh liêm, chính trực và nghiêm minh trong việc xét xử theo bộ luật Hồng Đức, được vua tin, dân mến, ca ngợi là “bậc thiên tài kiệt xuất, đức độ vẹn toàn”, là tấm gương sáng cho hậu thế noi theo.

8. Nguyễn Nghiêu Tư (1383 - ?)

Nguyễn Nghiêu Tư tên hiệu là Tùng Khê, tên tự là Quân Trù, người xã Phù Lương, huyện Võ Giàng, phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc (nay là thôn Hiền Lương, xã Phù Lương, huyện Quế Võ, Bắc Ninh). Ông đỗ Trạng nguyên khoa Mậu Thìn (1448) đời Lê Nhân Tông.

Truyền rằng, Nguyễn Nghiêu Tư hồi nhỏ có tên tục là Trư (Lợn) bởi ông sinh vào tháng Hợi (tức tháng 10 âm lịch) nên được bố đặt tên là Lợn (Trư). Lại truyền rằng trước đêm Nguyễn Nghiêu Tư đi thi đình, vua Lê Nhân Tông nằm mơ thấy lợn đỗ Trạng. Hôm sau, vua xa giá ra xem thấy Nghiêu Tư đỗ đầu vì vậy dân gian có câu “Long đầu lợn Nguyễn Nghiêu Tư”.

Xuất thân nhà nghèo nhưng từ nhỏ Nguyễn Nghiêu Tư đã rất chăm học và nổi tiếng thông minh. Năm lên 4 tuổi nghe người lớn ngâm thơ một vài lần là ông đã thuộc lòng. Lúc lên 8 tuổi ông được cha mẹ cho đi học, mặc dù học muộn hơn chúng bạn nhưng tiếp thu bài nhanh, học rất giỏi, nghe một biết mười, lễ phép chuyên cần. Ông là học trò của Tiến sĩ Vũ Mộng Nguyên.

Năm 66 tuổi, Nguyễn Nghiêu Tư đỗ đệ nhất giáp Tiến sĩ Cập đệ, đệ nhất danh (Trạng nguyên) khoa Mậu Thìn niên hiệu Thái Hòa thứ 6 (1448) đời Lê Nhân Tông, trở thành vị Trạng nguyên cao tuổi nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Nguyễn Nghiêu Tư làm quan đến chức Hàn Lâm Trực học sĩ, rồi làm An phủ sứ Tân Hưng. Khi Lê Nghị Dân chiếm ngôi, ông được cử đi sứ nhà Minh, về nước được thăng chức Thượng thư, chương Hàn lâm viện. Tác phẩm để lại của hai bài thơ chép trong “Toàn Việt thi lục”. Cuộc đời làm quan của Nguyễn Nghiêu Tư đã để lại nhiều giai thoại về tài ứng đối trong ngoại giao với quan lại nhà Minh và sứ thần các nước.

Đền thờ Nguyễn Nghiêu Tư ở thôn Hiền Lương (đền quan Trạng) đã được nhà nước công nhận và cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa.

 Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh

XEM THÊM SẢN PHẨM BÁN

NỀN TẢNG ĐĂNG TIN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ CHỢ BẮC NINH

Untitled

NHÓM ĐỘC GIẢ ĐỌC BÁO BẮC NINH

20211201_083027


Bài viết liên quan

Bắc Ninh: Đình Tam Tảo- Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia
Bắc Ninh: Đình Tam Tảo- Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia
Văn nghệ dân gian - sự kết tinh giá trị con người Kinh Bắc - Bắc Ninh
Văn nghệ dân gian - sự kết tinh giá trị con người Kinh Bắc - Bắc Ninh
Bắc Ninh: Nét văn hóa đặc sắc của tranh dân gian Đông Hồ
Bắc Ninh: Nét văn hóa đặc sắc của tranh dân gian Đông Hồ
Bắc Ninh: Quê hương chùa tháp, lễ hội và sinh hoạt văn hóa dân gian
Bắc Ninh: Quê hương chùa tháp, lễ hội và sinh hoạt văn hóa dân gian
Bắc Ninh: Đặc sắc nghệ thuật múa rối nước Đồng Ngư
Danh nhân lịch sử tiêu biểu người Bắc Ninh thời kỳ chống Bắc thuộc